Mỗi năm có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai tại Việt Nam
Đời sống - Ngày đăng : 23:25, 16/05/2016
Hội nghị do Bộ NN&PTNT, Cơ quan Liên Hiệp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Chính Phủ Nhật Bản phối hợp tổ chức.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, thiên tai đang là mối hiểm họa đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới và đang gia tăng về tần suất, cường độ, gây ra tổn thất ngày càng lớn về người và tài sản.
Tại Việt Nam mỗi năm trung bình có trên 300 người chết và mất tích do thiên tai, thiệt hại vật chất lên đến hàng trăm triệu đô la. Việt Nam cũng nằm trong danh sách các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát khai mạc Hội nghị
Từ cuối năm 2015 đến nay, Việt Nam đã và đang phải chống chịu với đợt hạn hán, xâm ngập mặn kỷ lục nhất trong lịch sử đã làm thiệt hại trên 400 nghìn ha lúa, hoa màu và cây công nghiệp, 26.000 ha lúa phải dừng sản xuất, 476 nghìn hộ dân thiếu nước các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, thiệt hại vật chất ước tính khoảng 9.000 tỷ đồng. Trong đó, đối tượng ảnh hưởng chủ yếu là nông thôn, trong đó, phụ nữ và trẻ em chiếm trên 70%.
Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, sự nỗ lực của toàn dân và chính quyền các cấp, Việt Nam đã từng bước chủ động triển khai nhiều biện pháp để phòng ngừa ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu, nhất là hoàn thiện hệ thống luật pháp, chính sách về phòng, chống thiên tai. Qua đó, thiệt hại về người và tài sản trong 5 năm gần đây (2011-2015) đã giảm đáng kể, số người chết và mất tích đã giảm 53% thiệt hại vật chất giảm 32% so với 5 năm trước đó (2006-2010).
Đánh giá về những gánh chịu tác động của thiên tai, Giám đốc UN Women khu vực Châu Á, Thái Bình Dương bà Roberta Clarle cho rằng, tác động của thiên tai và những biến đổi đã được dự báo trước về khí hậu có tác động tiêu cực đến hàng triệu người, các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và cơ sở vật chất mà họ phụ thuộc vào để sinh sống.
Tuy nhiên, những tác động và tổn thất mà thiên tai mang lại không hoàn toàn giống nhau. Người nghèo, những người đã được hưởng ít quyền hơn nhưng lại chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Trong nhóm này, phụ nữ và trẻ em là nhóm đối tượng chủ yếu chịu tác động tiêu cực của thiên tai và điều này phần lớn là do sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng mà họ đang phải đối mặt hàng ngày.
Bà Roberta Clarle - Giám đốc UN Women khu vực Châu Á, Thái Bình Dương
Bà Roberta Clarle đưa ra dẫn chứng, trong trận Sóng thần tại Ấn Độ năm 2004 có đến 78% phụ nữ và trẻ em bị thiệt mạng, 55% số người thiệt mạng trong 2 trận động đất ở Nepal là phụ nữ và trẻ em… để thấy rằng, trong thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái là đối tượng chiếm tỷ lệ cao trong số những người tử vong.
Liên quan đến vấn đề này, ông Cao Đức Phát cho biết, hiện Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng các Mục tiêu quốc gia về Phát triển bền vững (SDGs) và đã cam kết thực hiện Khung hành động Sendai (2015-2030) về giảm thiểu rủi ro thiên tai và cam kết ủng hộ những khuyến nghị của Sendai về việc huy động sự tham gia và lãnh đạo của phụ nữ trong quá trình xác định rủi ro, lập kế hoạch phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả và tái thiết sau thiên tai.
Việt Nam nhận thấy, không thể thực hiện thành công khung hành động này nếu trong quá trình xây dựng chính sách, lập kế hoạch và thực hiện công tác phòng, chống thiên tai thiếu cân nhắc đến vai trò, tình trạng dễ bị tổn thương và khả năng của các nhóm dân cư trong cộng đồng, đặc biệt là vai trò của phụ nữ.
Từ thực tiễn công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam và đánh giá cao vai trò của phụ nữ trong phòng, chống thiên tai, ông Phát cho biết phụ nữ chính là những người đầu tiên chuẩn bị cho gia đình ứng phó với thiên tai, và cũng chính là những người đầu tiên đưa cuộc sống của cộng đồng trở lại ổn định sau thiên tai.
Phiên khai mạc của Hội nghị
Để bảo đảm ngày càng tốt hơn mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực này, Hiến pháp, Luật Phòng chống thiên tai và Luật Bình đẳng giới của Việt Nam đều quy định phụ nữ và nam giới được bình đẳng trong mọi hoạt động và bình đẳng giới phải được lồng ghép trong các hoạt động quản lý và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.
Ông Phát cho biết, trong hoạt động phòng, chống thiên tai, Hội phụ nữ Việt Nam trở thành một thành viên quan trọng và tích cực ở tất cả các cấp từ trung ương đến địa phương. Đây cũng chính là hiện thực hóa những cam kết của Việt Nam với các khung pháp lý quốc tế, khung hành động Sendai, Công ước Liên Hợp Quốc về Chấm dứt mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW), hay Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và các công ước quốc tế khác có liên quan về bình đẳng giới mà Việt Nam đã thông qua.
Ngoài ra, bảo đảm gắn kết hơn, chặt chẽ hơn của chính sách giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu với các chính sách xã hội về giới hiện hành, các cam kết giới và các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) cũng như các mục tiêu phát triển bền vững, kêu gọi hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi giữa các quốc gia để công tác lồng ghép giới vào giảm nhẹ, quản lý rủi ro thiên tai được hiệu quả.