Giá vàng hôm nay 17/4: Chờ đấu thầu vàng mới hạ nhiệt?
Trước thông tin về việc chuẩn bị cho đấu thầu vàng miếng, nhiều người kỳ vọng về sự ổn định, giảm nhiệt của giá vàng trong thời gian ngắn tới đây.
Tại thị trường trong nước, giá vàng SJC chốt phiên 16/4 giảm khá mạnh 100.000 - 600.000 đồng/lượng tại hầu hết các hệ thống cửa hàng.
Trong đó, giảm nhiều nhất là giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn với mức giảm 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua - bán.
Tiếp đến là Tập đoàn Phú Quý và hệ thống Bảo Tín Minh Châu cùng giảm 500.000 đồng/lượng ở chiều bán nhưng chiều mua giảm lần lượt 200.000 đồng/lượng và 150.000 đồng/lượng.
Còn lại, Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ vàng SJC đều giảm 400.000 đồng/lượng khi bán ra còn mua vào giảm 200.000 đồng/lượng tại Tập đoàn Doji nhưng giảm 100.000 đồng/lượng tại hệ thống PNJ.
Giá vàng trong nước đi xuống trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước vừa có loạt văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương phối hợp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thị trường vàng; trong đó, đề nghị Bộ Công an phối hợp cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức hoạt động đấu thầu vàng miếng SJC để bảo đảm hoạt động đấu thầu được an toàn, hiệu quả.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc cung ứng vàng ra thị trường trong bối cảnh hiện nay được kỳ vọng như một mũi tên trúng 2 đích, đó là vừa giảm chênh lệch giá vàng miếng SJC vừa hạ nhiệt tỷ giá. Bên cạnh đó, khi các phiên đấu thầu diễn ra sẽ giải tỏa về tâm lý của người dân.
Theo ước tính của Ngân hàng Nhà Nước, mức chênh lệch vàng trong nước và thế giới hiện nay đang là 9,5 triệu đồng/lượng. Vì vậy, các phiên đấu thầu được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sớm diễn ra để ổn định lại nguồn cung, thu hẹp mức chênh lệch với vàng thế giới.
Trên thị trường thế giới, giá vàng đạt 2.373,31, giảm 8,59 USD.
Theo John Weyer - Giám đốc Bộ phận Phòng hộ thương mại của Walsh Trading - căng thẳng leo thang giữa Iran và Israel đang thúc đẩy các nhà kinh tế đổ xô vào thị trường vàng và đồng USD để bảo vệ tài sản của mình.
James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao của Forex, kỳ vọng vàng tiếp tục tăng giá vào thời gian tới. Chuyên gia này nhận định, nhu cầu vàng vẫn đang rất mạnh và không thấy bất kỳ dấu hiệu giảm nhu cầu nào đối với kim loại quý.
Mark Leibovit - chuyên gia của VR Metals/Resource Letter - dự báo, chu kỳ tăng giá hiện tại của vàng vẫn chưa kết thúc và kim loại quý này đang hướng tới mục tiêu 2.700 USD/ounce.
Nhà phân tích cấp cao Matt Simpson của City Index dự báo, giá vàng sẽ giao dịch ở mức 3.000 USD/ounce trong 6 - 18 tháng tới.
Giá vàng trong nước thường diễn biến theo giá thế giới, vì vậy, giá vàng có thể sẽ giảm trong phiên ngày 17/4.
Tại thị trường ngoại hối, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.141 VND/USD, tăng 45 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại được phép giao dịch là từ 22.934 - 25.348 VND/USD.
Tỷ giá bán được Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước cũng tăng thêm 48 đồng, mua - bán ở mức 23.400 - 25.298 VND/USD.
Tỷ giá USD tại các ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Giá USD tại Vietcombank, Ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống, niêm yết ở mức 24.978 - 25.348 đồng, tăng 48 đồng so với mức đóng cửa hôm qua. VietinBank tăng mạnh 70 đồng ở giá mua và tăng giá bán lên kịch trần 25.348 đồng/USD. BIDV cũng tăng 47 đồng ở cả hai chiều giao dịch lên mua - bán ở mức 25.036 - 25.346 đồng/USD.
Bên nhóm ngân hàng cổ phần, giá USD cũng tăng mạnh 40 - 80 đồng ở cả hai chiều giao dịch. Hiện giá bán USD tại nhóm ngân hàng tư nhân lớn như Techombank, MB, ACB, Sacombank và Eximbank dao động trong khoảng 25.330 - 25.348 đồng, đều áp sát mức trần được phép giao dịch.
Bên cạnh đó, giá bán USD của các ngân hàng hiện đã vượt khá xa mức giá bán USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (25.298 đồng).
Như vậy, đây là phiên thứ hai liên tiếp tỷ giá USD tại một loạt ngân hàng được niêm yết ở mức kịch trần. Đáng chú ý, những ngân hàng có giá bán cao nhất đều thuộc nhóm Big4, cho thấy áp lực trên thị trường ngoại tệ vẫn còn lớn.