Dân kêu trời vì sống gần lò mổ lậu ô nhiễm
Đời sống - Ngày đăng : 16:10, 16/05/2016
Tuy nhiên, cho đến nay cơ sở này vẫn hoạt động bình thường, bất chấp phản ứng từ dư luận gây ảnh hưởng tới đời sống sinh hoạt và kinh doanh của bà con.
Nghỉ bán hàng vì khách chê mùi hôi thối
Theo chia sẻ của nhiều bà con tại xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng), việc cơ sở giết mổ gia súc đi vào hoạt động đã đảo lộn mọi thứ từ cuộc sống đến việc kinh doanh của nhiều hộ gia đình. Nước thải, mùi hôi thối cùng với những âm thanh phát ra trong quá trình giết mổ từ cơ sở này đã gây không ít “khó chịu” cho đời sống người dân.
Cơ sở giết mổ gây ô nhiễm môi trường
Bà T.H (một người dân sống gần đó) chia sẻ với chúng tôi: “Trước đây gia đình tôi có bán nước mía, ban đầu cũng rất đông khách, thế nhưng sau đó vì mùi hôi thối nên không một ai dám tới, nếu có thì họ cũng không quay lại lần sau. Cuối cùng, tôi đành phải nghỉ bán, giờ máy làm nước mía cũng nằm ở góc nhà, bụi bặm không sử dụng tới”.
Hàng ngày bà con trong khu vực phải sống trong bầu không khí ô nhiễm
Một trường hợp khác là quán cơm của chị Lê Thị Xuân Mai ở gần đó cũng phải đóng cửa vì ế ẩm, nhưng sau đó do không có thu nhập nên chị đành mở lại quán với mong muốn có thể bán được cho những hộ dân sống gần đó vì đã “quen thuộc” với mùi xú uế, khó chịu.
“Nhiều khi khách hàng đến quán gọi đồ ăn, đang làm món thì họ bỏ đi vì cho rằng ruồi nhiều quá ăn không được, cũng có khách đến ăn vài ba miếng rồi cũng bỏ đi luôn, không thấy quay lại”.
Để hạn chế ruồi, muỗi, gia đình chị đã dùng đủ mọi biện pháp như mua thuốc xịt ruồi, keo dán ruồi để diệt nhưng không khả quan.
Lò mổ lậu vẫn hoành hành
Cán bộ Chi cục Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Đối với cơ sở giết mổ gia súc tập trung xã Đại Tâm nằm trong diện phải chấm dứt hoạt động và di dời tới vị trí mới thích hợp do cơ sở giết mổ này nằm trong khu vực đông dân cư, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ô nhiễm môi trường. Trạm thú y Mỹ Xuyên cũng đã nhiều lần làm việc yêu cầu di dời và chủ cơ sở cũng cam kết cuối năm 2015 sẽ di dời, chấm dứt hoạt động, tuy nhiên đến nay chủ cơ sở này không thực hiện mà vẫn cố tình hoạt động”.
Theo công suất thiết kế, cơ sở này chỉ có thể đáp ứng nhu cầu giết mổ 100-120 con heo/ngày, nhưng trên thực tế đã giết mổ tới 200-220 con heo/ngày, sự quá tải này dẫn đến việc không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, an toàn lao động.
Không chỉ vậy, hệ thống xử lý chất thải, nước thải, mở rộng nhà xưởng không được chủ cơ sở xem trọng, đồng thời giá thành giết mổ rẻ hơn rất nhiều nên các cơ sở giết mổ được thiết kế, đầu tư bài bản, đúng quy chuẩn không thể cạnh tranh về giá thành giết mổ đối với cơ sở này.
Dòng nước ô nhiễm trong khu vực dân cư
Theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT ngày 25/10/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Quy định điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở giết mổ lợn”, các cơ sở giết mổ phải được cơ quan thú y kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y 2 năm một lần mới được phép hoạt động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 28 cơ sở giết mổ tập trung và 54 điểm giết mổ nhỏ lẻ, tất cả các cơ sở này chưa được Chi cục Thú y kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y cũng như chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y theo Thông tư số 60/2010/TT-BNNPTNT, qua đó dẫn đến nhiều cơ sở giết mổ không tiếp tục đầu tư, nâng cấp nhà xưởng vì sợ tốn chi phí.
Những cơ sở giết mổ “chui” như thế này vẫn ngày đêm hoạt động, mỗi ngày hàng trăm tấn thịt có thể bị nhiễm bẩn trong quá trình giết mổ từ các cơ sở này được đưa ra thị trường và không ai có thể biết được rằng nó sẽ gây hậu quả ra sao đối với người tiêu dùng.