Sức Khỏe

Phát triển ngành dược, giảm giá thuốc cho Nhân dân

Duy Tuấn 16/04/2024 - 19:21

Chiều 16/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Chỉ rõ 90% nguyên liệu sản xuất thuốc phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát triển ngành dược không chỉ phát triển kinh tế, mà còn chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân

Nên có chính sách ưu đãi sản xuất dược liệu trong nước

Cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng: “Có một bước tiến rất lớn về tư duy trong dự án luật này. Dự án luật đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện đầy đủ chính sách mà Quốc hội đề ra trong chương trình xây dựng pháp luật”.

duoc22.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chỉ rõ 90% nguyên liệu để sản xuất thì phải nhập khẩu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát triển ngành dược không chỉ phát triển kinh tế, mà còn chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ người dân. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Y tế, Ủy ban Xã hội rà soát lại Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để luật hoá một số chính sách nhằm thúc đẩy ngành dược phát triển.

Trên tinh thần này, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất dược công nghệ cao thông qua các quy định cho phép các thuốc này có lộ trình giảm giá thuốc, tăng tỉ lệ trích quỹ nghiên cứu phát triển đối với các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển thuốc mới; thúc đẩy liên doanh, hợp tác với nước ngoài thành lập chuỗi, đặc biệt là trong hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Về cơ chế mua sắm thuốc, nên rà soát luật hoá một số chính sách ưu đãi đối với những sản phẩm đầu ra của những cơ sở sản xuất thuốc trong nước. Ví dụ như trong đấu thầu mua sắm, lựa chọn thuốc điều trị, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT… có quy định về khung để sau này Chính phủ có hướng dẫn.

Ngoài ra, nên chăng có chính sách ưu đãi đối với thuế nhập khẩu nguyên liệu làm thuốc.

“Trong khi một số nguyên liệu nằm trong 90% nguyên liệu phải nhập, nếu giá nhập khẩu nguyên liệu cao thì giá thành thuốc sản xuất trong nước sẽ đắt, người dân sẽ phải mua đắt, khả năng cạnh tranh kém”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Sửa luật phải khắc phục được tình trạng thiếu thuốc

Góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, Tổng Thư ký – Chủ nhiệm VPQH Bùi Văn Cường cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược là cần thiết, “bởi thời gian vừa qua tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở y tế, cơ sở khám, chữa bệnh đã đặt ra nhiều vấn đề cần quan tâm. Bên cạnh đó, việc sửa đổi luật nhằm đáp việc ứng tự chủ thuốc cho gần 100 triệu dân trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân là cần thiết”.

duoc21.jpeg
Toàn cảnh phiên họp

Về phát triển dược liệu, ông Cường đề nghị thống nhất đầu mối trồng, phát triển vùng dược liệu; rà soát bảo đảm tính thống nhất về trình bày văn bản.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, thuốc là mặt hàng thiết yếu và quan trọng.

“Trong cải cách chúng ta phải tính thế nào để tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư kinh doanh nhưng vẫn phải đảm bảo quản lý chặt chẽ”, ông Tùng nói.

Duy Tuấn