Đời sống

Ký ức về Điện Biên Phủ trong trái tim cựu thanh niên xung phong

Trần Tú 16/04/2024 06:30

Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã ghi vào lịch sử dân dộc Việt Nam một mốc son chói lọi. Trong những ngày tháng cả nước đang hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã được trò chuyện với cựu thanh niên xung phong (TNXP) Nguyễn Đình Danh, nghe ông kể lại những ngày “khoét núi làm đường” để thực phẩm, đạn dược, thuốc men thông suốt.

Mặc dù năm nay đã 97 tuổi nhưng ông Nguyễn Đình Danh (trú tại xóm 3, xã Hưng Chính, TP. Vinh, Nghệ An) là cựu TNXP trong chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn rất minh mẫn.

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà đơn sơ, giản dị, ông Danh bồi hồi xúc động kể, ngày ấy ông là TNXP thuộc Đại đội 206, đội 34. Đây là một trong những đơn vị TNXP được thành lập để chuẩn bị mở chiến dịch Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ theo Chỉ thị của Bác Hồ.

Theo đó, Đoàn TNXP Trung ương được tổ chức thành các đội 34, 36, 38, 40, 46 và 48. Điều đặc biệt của đoàn TNXP là lấy toàn nam giới, với thành phần chủ yếu xuất thân từ bần cố nông và trung nông lớp dưới đã qua giảm tô, cải cách ruộng đất. Nhiệm vụ của đoàn là san, mở đường, tháo gỡ bom mìn, vận chuyển thương binh, lương thực thực phẩm và khi cần bổ sung cho lực lượng bộ đội chủ lực chiến đấu đánh căn cứ Điện Biên Phủ.

anh-2.jpg
Những chiếc Huy chương ghi nhận những đóng góp của ông trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.

Năm 1952, ông gia nhập Đoàn TNXP Trung ương khi đã bước qua tuổi 25. Ngay sau khi gia nhập, ông được đưa thẳng lên Lai Châu và bắt đầu tiến hành mở đường.

Ông Danh bồi hồi nhớ lại: “Thời điểm ấy, cùng với nhiều đội TNXP khác, Đại đội 206, đội 34 của chúng tôi tiến hành mở đường từ Lai Châu đến sát biên giới Trung Quốc với chiều dài hơn 90km. Đây là con đường mở mới hoàn thành, nhằm phục vụ vận chuyển thực phẩm, thuốc men, đạn dược…, cả đội chúng tôi triển khai làm đường trong điều kiện hết sức khó khăn, phải làm trong điều kiện bí mật. Nhiều đoạn làm xong, mưa xuống khiến đất từ trên cao sụt xuống, sạt lở hàng vạn khối, khiến con đường vừa hình thành lại phải làm lại từ đầu”.

Sau khi đường được làm xong, cứ tầm 20km lại có một hệ thống kho bãi. Những nhu yếu phẩm được cất giữ tại đây, do đó, các TNXP còn có nhiệm vụ vận chuyển những mặt hàng thiết yếu từ điểm này đến điểm kia, mỗi lần cả đi về từ 25-30km đi bộ. Tất cả mọi hoạt động đều bí mật, tuy điều kiện sống vô cùng gian khổ nhưng ai cũng nêu cao tinh thần vì Tổ quốc, nên đường bị hỏng, sạt lở lại được khắc phục ngay sau đó.

Ông Danh nhớ lại cảnh gặp Bác Hồ ngay tại “công trường” của đội TNXP 34 đang thực hiện: Hôm đó vào trung tuần tháng 12/1953, khi chuẩn bị dụng cụ để đi làm, cả đội được nghe cấp trên thông báo có đoàn cấp cao về thăm. Ngày hôm sau, khi đoàn đang làm đường, từ phía xa thấy bóng dáng có 2 người đàn ông đi trên 2 con ngựa.

anh-1(1).jpg
Ông Nguyễn Đình Danh - cựu TNXP xúc động kể về những ngày tháng tham gia mở đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

“Khi tới gần nơi, các TNXP đang mở đường, cả hai người đều xuống ngựa, một người đi bộ phía trước, người còn lại dắt 2 con ngựa theo sau. Sau khi đi gần hơn 1 chút, chúng tôi mới nhận ra là Bác Hồ, Bác mặc bộ áo nâu giản dị. Chúng tôi ai cũng vui mừng khôn xiết, không ngờ giữa bốn phía là rừng núi, lại được gặp Bác, vậy nên ai cũng tự hào”, ông Danh xúc động nhớ lại.

Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, ông Danh tiếp tục học thêm nghề y tá, học xong, ông về làm Trưởng trạm y tế xã Hưng Chính và được kết nạp đảng vào năm 1964. Năm 1968, ông lại tiếp tục công tác cứu chữa thương bệnh binh khi Mỹ mở rộng đánh phá Bến Thủy (TP. Vinh) trong chiến tranh phá hoại.

Những năm sau đó, ông được chuyển nhiều đơn vị khác, ông chính thức nghỉ hưu vào năm 1982. Với những đóng góp của mình, năm 1978, ông được tặng thưởng Huy chương kháng chiến hạng Nhất và nhiều giấy khen của địa phương, nơi ông từng công tác. Điều đặc biệt, trong gia đình có 9 anh em, ông là người anh trai cả, tất cả em trai, em gái, con trai của ông đều là quân nhân, TNXP, cán bộ công chức.

Trở về cuộc sống đời thường, cựu TNXP Nguyễn Đình Danh giờ đã ở tuổi 97 nhưng vẫn luôn giữ vững và phát huy phẩm chất người lính Bộ đội cụ Hồ. Ông luôn gương mẫu, đi đầu trong vận động gia đình và nhân dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, viết tiếp bản hùng ca bất diệt, động viên các thế hệ con cháu phát huy truyền thống cách mạng, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh.

Trần Tú