Tài chính - Ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước chuẩn bị đấu thầu vàng miếng

Xuân Lan 15/04/2024 - 17:13

Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ gửi thông báo đấu thầu trước một ngày diễn ra đấu thầu. Việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường.

Ngày 15/4, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết đã hoàn tất khâu chuẩn bị cho việc đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. Như vậy sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng.

vang-mieng-1704427554601129558984.jpg
Sau 11 năm, Ngân hàng Nhà nước quay trở lại với tổ chức đấu thầu vàng miếng

Thông tin cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ gửi thông báo đấu thầu trước một ngày đấu thầu.

Sau khi công bố giá sàn, tổ chức tín dụng và doanh nghiệp kinh doanh vàng bắt đầu điền vào đơn thầu. Các đơn vị trên có 30 phút để quyết định, khối lượng và giá mua.

Một tiếng sau khi đóng thầu Ngân hàng Nhà nước sẽ công bố kết quả.

Các doanh nghiệp sẽ phải đặt cọc để tham gia đấu thầu, muộn nhất vào 17h ngày nhận thông báo thầu.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 26 đơn vị bao gồm cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp kinh doanh vàng thiết lập quan hệ giao dịch vàng miếng với Ngân hàng Nhà nước. Trong đó, đến thời điểm này có khoảng 15 đơn vị đủ điều kiện tham gia đấu thầu. Loại vàng mang ra đấu thầu là vàng miếng SJC.

Phiên đấu thầu vàng miếng đầu tiên được tổ chức vào ngày 28/3/2013. Trong năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng với tổng khối lượng trúng thầu là 1.819.900 lượng trên tổng số 1.932.000 lượng chào thầu.

Tại thời điểm đó, giá vàng SJC vẫn đắt hơn vàng thế giới khoảng 4,2 triệu đồng/lượng.

Liên quan đến thị trường vàng, trước đó, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế. Để ổn định thị trường, Ngân hàng Nhà nước đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp.

Đồng thời thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11/4/2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai ngay các giải pháp trọng tâm.

Thứ nhất đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.

Thứ hai, với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.

Triển khai thanh tra doanh nghiệp kinh doanh vàng

Thứ ba, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý.

Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng.

Đối với hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.

Đối với Nghị định 24, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo tổng kết đánh giá quá trình thực hiện và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới.

Cuối giờ sáng nay (15/4), giá vàng miếng SJC trong nước vượt qua mốc 85 triệu đồng/lượng khi giá vàng thế giới vọt lên trên 2.358 USD/ounce. Chênh lệch giữa giá mua-bán vàng trong nước tăng lên mức cao chưa từng có là hơn 3 triệu đồng/lượng, khiến người mua chịu rủi ro lớn. Với giá bán ra hiện nay, vàng miếng SJC vẫn cao hơn thế giới gần 14 triệu đồng/lượng.

Việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng miếng được kỳ vọng sẽ kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.

Xuân Lan