Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử
Bộ Khoa học và Công nghệ đang đề xuất xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc ứng dụng năng lượng nguyên tử theo hướng đóng góp nhiều hơn nữa cho phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ thì việc sửa đổi nhằm thống nhất, đồng bộ và hài hòa giữa Luật Năng lượng nguyên tử với nhiều pháp luật liên quan đến các luật khác như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Xây dựng…. nhằm không để phát sinh chồng chéo, chưa thống nhất, bất cập trong quản lý nhà nước và triển khai thực hiện.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã tham gia các điều ước quốc tế về an toàn hạt nhân, an ninh hạt nhân, thanh sát hạt nhân như Công ước về an toàn hạt nhân, Nghị định thư bổ sung cho Hiệp định thanh sát Việt Nam-IAEA, Công ước chung về an toàn quản lý nhiên liệu đã qua sử dụng và an toàn quản lý chất thải phóng xạ hay Công ước bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phần sửa đổi.
Do vậy, việc triển khai thực hiện các điều ước quốc tế đặt ra yêu cầu nội luật hóa, hoàn thiện chính sách, pháp luật năng lượng nguyên tử để bảo đảm thực thi nghĩa vụ và cam kết quốc gia của Việt Nam.
Bộ Khoa học và Công nghệ đã đưa ra 6 nhóm chính sách là thúc đẩy phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, coi trọng năng lượng hạt nhân, chế tạo thiết bị, hợp tác quốc tế và đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm an toàn, an ninh nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ, thiết bị hạt nhân và vật liệu hạt nhân; thanh sát và không phổ biến vũ khí hạt nhân; quản lý chất thải phóng xạ, nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng, nguồn phóng xạ đã qua sử dụng; ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại hạt nhân; quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.