Hà Nội: Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Toàn thành phố Hà Nội hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm... Do số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn, nên vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội luôn “nóng” và được đặc biệt quan tâm.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có hơn 70.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Trong đó, có hơn 10.000 cơ sở sản xuất thực phẩm, gần 25.500 cơ sở kinh doanh thực phẩm, hơn 35.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và hơn 5.800 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.
Số lượng cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm lớn như vậy nên vấn đề an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội luôn “nóng” và được đặc biệt quan tâm. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (diễn ra từ ngày 15/4 đến 15/5).
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương, cùng với các hoạt động thường xuyên về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, Tháng hành động tập trung xử lý các vi phạm về an toàn thực phẩm và giảm thiểu ngộ độc thực phẩm, nhất là khi mùa hè đang đến.
Ngoài 4 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành cấp thành phố, các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn cũng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra. Riêng ngành Y tế chú trọng thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các bếp ăn tập thể trường học, khu công nghiệp; cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống, đóng chai, nước đá dùng liền theo phân cấp…
Để Tháng hành động mang lại hiệu quả, Bộ Y tế đề nghị, Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội lưu ý việc chuyển đổi phương thức sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới, đặc biệt là hình thức kinh doanh online (trực tuyến).
Hình thức kinh doanh trực tuyến ngày càng phổ biến. Lượng hàng kinh doanh qua hình thức này, trong đó có thực phẩm, ngày càng tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an toàn và thực phẩm giả, nhái, kém chất lượng. Vì vậy, các biện pháp kiểm soát đối với loại hình kinh doanh này cần được thay đổi để phù hợp.
Tại hội nghị triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 với chủ đề “Tiếp tục bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”, Phó chủ tịch UBND thành phố, Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo công tác An toàn thực phẩm thành phố Vũ Thu Hà khẳng định, an toàn thực phẩm luôn là vấn đề rất “nóng” và phức tạp. Thêm vào đó, thủ đoạn của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị chức năng có liên quan nhằm ngăn ngừa, xử lý.
Đồng thời yêu cầu, phải bảo đảm thực chất; kiểm tra đột xuất, tuyệt đối nghiêm cấm kiểm tra báo trước. Đặc biệt, công tác kiểm tra tập trung vào các địa bàn, cơ sở dễ phát sinh sai phạm. Quá trình kiểm tra phải bảo đảm triệt để, có biện pháp xử lý sai phạm (nếu có).
Đề nghị các quận, huyện, thị xã rà soát lại việc thiết lập và công khai đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng. Trong quá trình triển khai Tháng hành động cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh và cả cơ quan quản lý. Cùng với việc phát hiện và xử phạt, các đơn vị công khai vi phạm (tên, địa chỉ, nội dung vi phạm…) để có sức răn đe. Bên cạnh đó, cần truyền thông, giới thiệu những mô hình hiệu quả trong kiểm soát, bảo đảm an toàn thực phẩm...