Quản lý, xử phạt bán hàng qua mạng còn nhiều bất cập, khó khăn
Hiện nay tình trạng kinh doanh, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng kém chất lượng công khai trên các trang web thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội,... diễn ra ngày càng phổ biến với những diễn biến phức tạp. Qúa trình đấu tranh, xử lý còn nhiều bất cập, khó khăn.
Thời đại mua bán qua mạng lên ngôi
Cùng với xu hướng phát triển chung, hoạt động kinh doanh ứng dụng thương mại điện tử ngày càng phát triển, nhất là thông qua các ứng dụng có số lượng người sử dụng, truy cập lớn như Facebook, Zalo, YouTube...
Với chủ thể tham gia bán, chào bán hàng hóa là hàng giả, hàng nhập lậu, hàng cấm chủ yếu là các cơ sở nhỏ lẻ hoặc cá nhân (thậm chí học sinh, sinh viên,...); các trang mạng, wesite thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh có thể hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người tiêu dùng có nhu cầu mua sắm, sử dụng hàng hiệu giá rẻ: đồng hồ, kính mắt, quần áo, giày dép, mỹ phẩm, túi xách...
Sau đó, khi người tiêu dùng đồng ý mua thì tiếp tục sử dụng các công cụ thanh toán trung gian không dùng tiền mặt (chuyển khoản, sử dụng thanh toán bằng mã QR) hoặc dịch vụ giao nhận, vận chuyển và phát hàng hóa kèm thu tiền để giao hàng cho khách hàng nhưng thực tế nhiều trường hợp hàng hóa bán là hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc.
Nhiều đối tượng chỉ tiếp nhận đặt online; không có cửa hàng hoặc phân tán hàng hóa nhiều nơi; giao hàng với số lượng dè dặt, nhỏ lẻ; bán hàng qua cộng tác viên trung gian… Trong nhiều trường hợp, hàng hóa không có hóa đơn chứng từ và được thanh toán qua đơn vị trung gian, khó xác minh đối tượng bán.
Bên cạnh đó, hiện nay thực trạng các website và mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng và khó kiểm soát cũng khiến cho nhiều đối tượng tìm cách lợi dụng và làm cho việc cơ quan quản lý theo dõi, điều tra rất khó khăn.
Các đối tượng này thường sử dụng một địa chỉ, địa chỉ không có thật hoặc giả mạo địa chỉ để giao dịch nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác điều tra, trinh sát, kiểm tra, bắt giữ và xử lý hành vi vi phạm.
Việc kiểm tra, xử lý của cơ quan chức năng đòi hỏi phải có dấu hiệu, chứng cứ vi phạm cụ thể. Trong khi các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết, không có địa điểm kinh doanh rõ ràng, không thể kiểm tra được ngay. Hầu hết các giao dịch hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng cấm đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt
Trao đổi với PV, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Thanh Hóa Lê Thế Anh cho biết: Cục đã tích cực phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng về nguy cơ, tác động ảnh hưởng đến sức khỏe từ việc sử dụng hàng nhập lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; tích cực phát hiện và công khai lên án tố giác kịp thời những hành vi vi phạm.
Tăng cường công tác thông tin truyền thông, phổ biến các quy định của nhà nước và pháp luật về hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn. Kết hợp công tác kiểm tra, kiểm soát với công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật để các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật
Cục đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, tổ chức thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin để xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về kinh doanh hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với những tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử trên địa bàn; tăng cường công tác điều tra, trinh sát về việc các cá nhân lợi dụng thương mại điện tử (Website, Facebook, Zalo...) để kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, ... trên địa bàn.
Chỉ đạo các đội Quản lý thị trường tổ chức điều tra, trinh sát phối hợp cùng các lực lượng chức năng phát hiện kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn toàn tỉnh và trên khâu lưu thông đối với hàng lậu, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Qua đó đã phát hiện và xử lý 6 vụ vi phạm; Phạt vi phạm hành chính 244,3 triệu đồng, trị giá hàng vi phạm 331,6 triệu đồng.
Đây là loại hình kinh doanh mới, đòi hỏi cán bộ kiểm soát viên phải có kiến thức, trình độ về công nghệ thông tin nhất định mới thực hiện được. Tuy nhiên, hầu hết cán bộ kiểm soát viên của đơn vị chưa được tiếp cận, tập huấn, đào tạo chuyên sâu về nội dung chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên mạng internet nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, lúng túng.
Hầu hết các đối tượng hoạt động bán hàng online tại địa bàn không có kho, không có địa điểm kinh doanh, chỉ hoạt động dưới hình thức cộng tác viên, sử dụng hình ảnh để quảng cáo sản phẩm chứ không có sẵn hàng hóa, khi khách hàng đặt mua mới hẹn ngày giao hàng. Hàng hóa sẽ được giao thẳng trực tiếp từ đơn vị đầu mối lấy hàng đến địa chỉ khách hàng thông qua các đơn vị chuyển phát chứ không lưu lại tại nơi bán. Hình ảnh sử dụng để quảng cáo, bán hàng là hàng thật, nhưng khi chuyển hàng cho khách hàng thì hàng hóa bị trà trộn, tráo đổi thành những sản phẩm có chất lượng kém hoặc giả mạo.
Việc chủ động điều tra, phát hiện vi phạm trên mạng gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do các đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Các đối tượng sử dụng nhà ở để hoạt động kinh doanh, bán hàng online, không treo biển hiệu nên việc tiến hành kiểm tra rất khó thực hiện.
Hàng hóa được phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu ở nhiều nơi, thậm chí chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, đồng thời các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, cũng như khó xác định chứng cứ để đấu tranh, xử lý.
Trên khâu lưu thông hiện nay, xuất hiện nhiều hãng vận chuyển chuyển phát nhanh hàng hóa được đặt mua qua mạng. Khi thực hiện khám 1 phương tiện vận chuyển, mỗi loại hàng hóa được đóng trong một gói riêng, của rất nhiều chủ hàng khác nhau.
Nhiều trường hợp khi mua hàng, người mua đã thực hiện thanh toán tiền hàng, cơ sở kinh doanh gửi hàng cho khách qua các dịch vụ chuyển phát, không có hóa đơn bán hàng kèm theo nên khi bị bắt giữ, bên chịu thiệt hại là người tiêu dùng, còn các chủ cơ sở bán hàng online đã thu tiền và không có nghĩa vụ làm việc với các cơ quan chức năng.
Người mua thì tâm lý chung ngại làm việc với các cơ quan chức năng, hàng hóa của mỗi cá nhân trị giá không lớn nên hầu hết khi bị bắt giữ đều không đến làm việc. Hàng hóa tạm giữ thường không có người đến nhận hoặc không xác định được.
Chưa có cơ chế, sự phối hợp giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ trực tuyến với lực lượng Quản lý thị trường nhằm xác minh, xác định địa chỉ cụ thể, xác thực các cơ sở hoạt động kinh doanh qua các ứng dụng thương mại điện tử. Chưa có cơ sở dữ liệu chung về thương nhân liên quan đến hoạt động thương mại điện tử để các lực lượng có thể truy cập, thẩm tra, xác minh thông tin.
Để công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong môi trường thương mại điện tử ngày càng hiệu quả, cần phải có nhiều cấp, ngành cùng vào cuộc. Bên cạnh đó người dân, người tiêu dùng cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về mua bán hàng hóa.