Sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, cựu chiến binh vươn lên thoát nghèo
Trong những năm qua, cựu chiến binh (CCB) Vi Xuân Thủy ở bản Na Án, xã vùng cao Châu Thành, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã biết phát huy thế mạnh vùng đặc thù, biến những cái khó của địa phương thành lợi thế, cộng với nguồn lực tài chính từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH để đầu tư mô hình kinh tế tổng hợp VACR đem lại hiệu quả kinh tế cao, thoát nghèo bền vững.
Khởi nghiệp thành công từ 2 bàn tay trắng
Năm 1983, chàng thanh niên Vi Xuân Thủy, ở bản Na Án, xã vùng cao Châu Thành huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, anh được điều động đóng quân tại Đức Lạc, Hà Tĩnh. Sau 3 năm trong môi trường quân ngũ, chàng trai Vi Xuân Thủy được xuất ngũ trở về địa phương với quân hàm Trung sỹ.
Sau khi phục viên trở về quê hương, CCB Vi Xuân Thủy xây dựng gia đình và sinh sống ở vùng sâu xa nhất của huyện Quỳ Hợp. Cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, vất vả khi con cái còn nhỏ và còn nhiều phong tục tập quán lạc hậu. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo, CCB Vi Xuân Thủy đã cùng vợ con tập trung khoanh nuôi bảo vệ rừng, sản xuất lúa nước, chăn nuôi trâu bò, lợn gà để có cuộc sống dần ổn định.
Năm 2019, ông Thủy đã được Hội CCB xã Châu Thành xét duyệt cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế mô hình vườn – ao – chuồng – rừng (VACR) tổng hợp. Sau khi trả hết nguồn vốn, gia đình ông Thủy từ hộ nghèo vươn lên hộ cận nghèo. Tiếp đó, ông được Ngân hàng CSXH cho vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư nuôi trâu, trồng rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên vùng đất khó.
Hiện tại, gia đình CCB Vi Xuân Thủy có 3 ha keo lai. Sau chu kỳ thu hoạch đầu tiên đã giúp gia đình ông có thêm vốn liếng quy hoạch lại vườn – ao - chuồng, vừa tạo công ăn việc làm cho bản thân và gia đình.
Để chủ động nguồn thực phẩm tại chỗ và phục vụ bà con dân bản, ông Thủy đào 2 ao thả cá với diện tích mặt nước gần 500m2 với nhiều loại cá trôi trắm, chép, mè… cho thu nhập vài chục triệu đồng mỗi năm.
Cùng với đó, gia đình ông Thủy còn làm ruộng nước vừa đảm bảo nguồn lương thực vừa chủ động trong chăn nuôi đàn gia cầm gà vịt, ngan ngỗng hàng trăm con để cải thiện các bữa ăn hàng ngày.
CCB Vi Xuân Thủy chia sẻ: “Năm 2019, thông qua Hội CCB, tôi được vay vốn Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp 50 triệu đồng, gia đình đã đầu tư chăn nuôi trâu bò, rồi trồng rừng. Đến nay, đàn trâu bò phát triển được 5 con, rừng đang trong giai đoạn phát triển tốt.
Tới đây, tôi mong muốn chương trình vay vốn tiếp tục tạo điều kiện để nhiều hộ dân ở miền núi, vùng sâu vùng xa như gia đình chúng tôi có thêm nguồn vốn để đầu tư, tạo công ăn việc làm tại chỗ và có cuộc sống ổn định hơn”.
Từ sản xuất, chăn nuôi đã tạo công ăn việc làm cho các thành viên của gia đình mình và ông Thủy cũng có điều kiện để ủng hộ các phong trào của bản và của Hội CCB xã Châu Thành phát triển. Đồng thời, giúp đỡ được nhiều gia đình hội viên về cây con giống để phát triển sản xuất, chăn nuôi.
Điểm tựa giúp người dân vươn lên làm giàu
Hiện tại, gia đình CCB Vi Xuân Thủy là một trong những hộ vươn lên thoát nghèo bền vững từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp và là tấm gương điển hình vượt khó của Hội CCB xã vùng cao Châu Thành.
Ông Vi Văn Lương, Phó chủ tịch Hội CCB xã Châu Thành, huyện Quỳ Hợp, cho hay: “Hiện nay, Hội CCB xã Châu Thành quản lý 4 tổ, trong đó có 169 tổ viên vay vốn, tổng dư nợ hội viên vay vốn là 13 tỷ 324 triệu đồng. Trong đó, Hội CCB vay vốn trong toàn xã là 78 hộ. Các hộ dân vay vốn đều đầu tư sản xuất, chăn nuôi trồng rừng, kinh doanh dịch vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đặc biệt là mô hình tổng hợp vườn rừng ao chuồng của CCB Vi Xuân Thủy rất hiệu quả, hàng năm, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Ngoài tạo công ăn việc làm cho các thành viên trong gia đình, ông còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho một số lao động địa phương, góp phần giảm hộ nghèo CCB toàn xã xuống còn 20 hộ mà chủ yếu do già cả ốm đau bệnh tật”.
Hội CCB xã vùng cao Châu Thành hiện có 133 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội, để có nguồn vốn cho hội CCB nói riêng và các tổ chức chính trị xã hội nói chung, Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp luôn có nhiều chương trình vay vốn đồng hành cùng các hội viên trong phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Hiện tại, dư nợ từ Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp của xã Châu Thành với tổng nguồn vốn là 59 tỷ đồng cho 818 lượt hộ vay vốn. Bình quân mỗi hộ được vay hơn 72 triệu đồng để đẩu tư trồng rừng, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ….
Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH Quỳ Hợp, các hộ gia đình ở xã Châu Thành đều sử dụng đúng mục đích và phát huy hiệu quả. Năm 2023, xã Châu Thành đã có 41 hộ thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn hơn 22%.
Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Hà, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Quỳ Hợp, cho biết: “Quỳ Hợp là huyện miền núi, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đang còn tương đối cao và hiện tại dư nợ của ngân hàng CSXH ở tốp 5 toàn tỉnh Nghệ An, chất lượng tín dụng ngày càng được duy trì ổn định.
Qua kiểm tra thực tế tại địa phương, vốn vay của NHCSXH phát huy hiệu quả, góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện Quỳ Hợp. Đặc biệt là 14 xã thuộc chương tình 135, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm đáng kể, góp phần chung vào giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Quỳ Hợp xuống còn 10,88% vào cuối năm 2023”.
Với nguồn lực từ ngân hàng CSXH của huyện Quỳ Hợp và sự nỗ lực cố gắng vươn lên trong phát triển kinh tế của CCB Vi Xuân Thủy nói riêng và người dân Châu Thành, huyện miền núi Quỳ Hợp nói chung đã góp phần ổn định cuộc sống và biến cái khó khăn, đặc thù trở thành lợi thế để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu hiệu quả.