Chủ tịch Quốc hội tiếp lãnh đạo các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc tại Vân Nam
Tiếp tục chuyến thăm chính thức nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, sáng 12/4, tại thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp lãnh đạo một số Tập đoàn của Trung Quốc.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu trong buổi tiếp Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam (Trung Quốc). (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN) |
Tiếp Chủ tịch Tập đoàn SUNWAH Jonathan Choi, Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả đầu tư của Tập đoàn ở Việt Nam với tổng đầu tư tại Việt Nam khoảng 5 tỷ USD.
Ông Jonathan Choi cho biết, Tập đoàn có 3 thế hệ hoạt động đầu tư tại Việt Nam; mong muốn đầu tư mở rộng trong phát triển hạ tầng, khoa học công nghệ, lĩnh vực công nghệ cao.
Tập đoàn tích cực hoạt động cộng đồng, đang xây dựng phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo của SUNWAH tại Đại học Quốc gia Hà Nội, hợp tác phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Nhấn mạnh Vân Nam gần một số tỉnh miền núi phía bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược, Tập đoàn mong muốn hợp tác với các tỉnh phía bắc Việt Nam, đặc biệt là Lào Cai.
Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh Tập đoàn tiếp tục phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là khu công nghiệp tại Lào Cai.
Theo Chủ tịch Quốc hội, kết nối giao thông đường bộ, đường sắt giữa Vân Nam và các tỉnh, thành phố Việt Nam, trong đó có tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với cả hai nước.
Cùng với đó, cầu đường bộ qua sông khu vực biên giới; hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh, tăng cường trao đổi hàng hóa chính ngạch trên nền tảng thương mại điện tử… là những cơ hội tiềm năng giữa Vân Nam và các tỉnh phía bắc của Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Tập đoàn tập trung thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh biên giới Việt Nam với các tỉnh của Trung Quốc; nghiên cứu kết nối hợp tác 3 bên trong chuyển giao công nghệ nâng cao năng lực kết nối chuỗi giá trị sản phẩm.
Tại cuộc tiếp lãnh đạo Tập đoàn Đầu tư Năng lượng Vân Nam (YEIG), lãnh đạo YEIG cho biết, YEIG là tập đoàn duy nhất ở Vân Nam chuyên về năng lượng với 3 mảng chính: Năng lượng, logistics, năng lượng xanh.
Tập đoàn mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các đối tác của Việt Nam về logistics. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao năng lực của tập đoàn trong việc bảo đảm năng lượng cho tỉnh Vân Nam, trong đó có năng lượng sạch.
Các tỉnh phía bắc của Việt Nam có tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Trên cơ sở Quy hoạch điện VIII của Việt Nam, Tập đoàn có thể nghiên cứu tham gia với vai trò đối tác phát triển mới 1 số dự án năng lượng sạch.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh hợp tác xây dựng cửa khẩu thông minh, đẩy nhanh thông quan hàng hóa; mong doanh nghiệp hai nước tăng cường đầu tư vào thị trường của nhau cả thương mại, đầu tư, sản xuất. Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện để các doanh nghiệp thực lực đầu tư lâu dài tại Việt Nam.
* Tiếp ông Yan Ming, Tổng Giám đốc Công ty Bưu chính Vân Nam (thuộc Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc), Chủ tịch Quốc hội hoan nghênh hợp tác của Tập đoàn Bưu chính Trung Quốc, trong đó có Công ty Bưu chính Vân Nam với các doanh nghiệp bưu điện, bưu chính Việt Nam để thúc đẩy luân chuyển hàng hóa, bưu kiện, bưu phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Việt Nam quan tâm đến việc hoàn thiện quy định của pháp luật, xây dựng cơ sở vật chất để bảo đảm cho việc phát triển lĩnh vực này. Theo Chủ tịch Quốc hội, thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới là xu thế tất yếu. Chủ tịch Quốc hội gợi mở, Công ty Bưu chính Vân Nam có thể hình thành sàn giao dịch với sản phẩm nông nghiệp, tại Việt Nam có các sản phẩm OCOP trong nông nghiệp rất tiện dụng và phát triển.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Công ty Bưu chính Vân Nam và các doanh nghiệp bưu điện, bưu chính Việt Nam tăng cường hợp tác chuỗi cung ứng, logistics, xuất nhập khẩu. Vân Nam là cửa ngõ quan trọng của Trung Quốc mở ra với các nước Đông Nam Á nên Công ty Bưu chính Vân Nam cần tận dụng cơ hội này.
Ông Yan Ming mong muốn thúc đẩy việc gửi, nhận bưu phẩm giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là giữa Lào Cai và Vân Nam qua cửa khẩu quốc tế.
Theo ông Yan Minh hai bên còn tiềm năng lớn để phát triển trong lĩnh vực bưu chính vì vậy, ông Yan Ming mong muốn thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này, qua đó phát triển thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của Việt Nam đến thị trường Trung Quốc.
* Tiếp ông Tôn Vinh Côn (Sun Rongkun), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên (thuộc Tập đoàn Đầu máy và toa xe Trung Quốc), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nhu cầu đầu tư đường sắt ở Việt Nam rất lớn, bên cạnh dự án trọng điểm là đường sắt tốc độ cao bắc-nam nối Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, giữa Việt Nam và Trung Quốc có 3 tuyến đường sắt được lãnh đạo 2 nước quan tâm thúc đẩy là Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng, Móng Cái-Hạ Long-Hải Phòng và Hà Nội-Đồng Đăng (Lạng Sơn).
Chủ tịch Quốc hội mong muốn Công ty Đầu máy và toa xe Đại Liên thúc đẩy cùng các cơ quan chức năng của 2 nước sớm triển khai các dự án này và tham gia đầu tư, kinh doanh các cấu phần của đường sắt như đầu máy, toa xe tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam định hướng phát triển ngành công nghiệp đường sắt, do đó, Công ty Đầu máy và toa xe Đại Liên ngoài tham gia dự thầu các dự án lớn có thể chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, công nghệ, hình thành cơ sở sản xuất đầu máy, toa xe, hỗ trợ cho lĩnh vực này của Việt Nam, không chỉ phục vụ cho vận tải hành khách mà còn hàng hóa.
Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, ông Tôn Vinh Côn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe Đại Liên cho biết, công ty mong muốn chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật về đầu máy toa xe với Việt Nam. Công ty có thế mạnh về kỹ thuật, công nghệ hiện đại, đặc biệt là sản phẩm đầu máy điện và đầu máy năng lượng mới.
Theo ông Tôn Vinh Côn, tại Việt Nam hiện nay, ngành đường sắt đang sử dụng nhiều động cơ diezel, công ty có thể chia sẻ kỹ thuật, công nghệ, kinh nghiệm cho Việt Nam để đổi mới động cơ, hiện đại hóa đường sắt.