Đời sống

Khảo sát về kết quả thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12 tại Hải Phòng

Vũ Ba 12/04/2024 - 09:14

Chiều 11/4, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Tổ trưởng Tổ biên tập các đề án là Trưởng đoàn đã làm việc, khảo sát tại Hải Phòng về kết quả thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12 ngày 3/6/2017 Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII).

Làm việc với đoàn, về phía TP. Hải Phòng có ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố; ông Lê Anh Quân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố; Bùi Đức Quang, Phó Chủ tịch HĐND thành phố…

hai-phong-.jpg
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố phát biểu tại buổi làm việc.

Theo báo cáo, sau 6 năm thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12, kinh tế Hải Phòng được vận hành cơ bản đầy đủ theo các quy luật của kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển. Các chủ thể tham gia vào hoạt động kinh tế trên địa bàn thành phố phối hợp ngày càng hài hòa, đảm bảo quá trình vận hành, tồn tại và phát triển; trong đó doanh nghiệp là trung tâm, Nhà nước định hướng và đưa các luật, các quy định, chuẩn mực bắt buộc các chủ thể khác phải thực hiện, Nhà nước kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện; các tổ chức xã hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và người dân có vai trò giám sát và phản biện các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp.

Cụ thể, đối với Nghị quyết 10 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đến nay, Hải Phòng có 39.891 doanh nghiệp, tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GRDP đạt từ 40-48%.

Đối với Nghị quyết 11 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Hải Phòng chú trọng phát triển kinh tế gắn với phát triển văn hóa, con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Đối với Nghị quyết số 12 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, Hải Phòng từng bước cơ cấu lại, thực hiện thoái vốn tại một số doanh nghiệp; giải thể, phá sản các doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ…

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Trung ương tiếp tục có các giải pháp, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế tư nhân; nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu phát triển kinh tế số đối với khu vực kinh tế tư nhân giai đoạn 2024-2030. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; có chính sách đột phá tháo gỡ vướng mắc, tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; có quy định cụ thể, rõ ràng hơn trong thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước; doanh nghiệp liên doanh; doanh nghiệp Đảng; đơn giản hoá quy trình phá sản doanh nghiệp; cho phép Hải Phòng nghiên cứu xây dựng Khu Thương mại tự do…

z5337684784309_340b770b8e36617a7dde9c3dc344b758638484578409932441.jpg
Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao cách làm của Hải Phòng trong thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12

Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao cách làm của Hải Phòng trong thực hiện các Nghị quyết 10, 11, 12 về phát triển kinh tế. Đặc biệt đã phát huy vai trò của doanh nghiệp tư nhân, huy động nhiều nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đề nghị Hải Phòng phân tích, đánh giá về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật hiện hành có liên quan đến nội dung từng nghị quyết; làm rõ về các mô hình điển hình, cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện các nghị quyết; điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại các nghị quyết; đề xuất, gợi mở các nội dung trọng tâm trong dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện các nghị quyết trong thời gian tới.

Trước đó, sáng 11/4, Đoàn công tác đã khảo sát thực tế tại Công ty CP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Công ty TNHH Kinh doanh thương mại và dịch vụ VinFast.

Vũ Ba