Lạ kỳ, nước giếng trên núi cao ở Phú Yên bị nhiễm mặn

Đời sống - Ngày đăng : 09:39, 08/05/2016

Xóm Đồng Cát, thôn Quang Thuận, xã An Lĩnh, huyện Tuy An (Phú Yên) ở cách biển khoảng 30km thuộc vùng miền núi cao Phú Yên nhưng nhiều giếng nước sinh hoạt nơi này lại bị nhiễm mặn. Hiện tượng lạ này xảy ra khiến cuộc sống của gần chục hộ dân khốn khổ.

Đến xóm Đồng Cát để tìm hiểu hiện tượng lạ này, chúng tôi nếm thử nước giếng của nhà ông Phan Văn Hương, một trong những hộ dân có nước giếng bị nhiễm mặn, thì đúng quả thật là như vậy. Ông Hương cho biết, để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày, ông Hương phải bỏ ra hơn chục triệu đồng để đào một cái giếng. Khi thợ đào sâu chừng 7m thì phát hiện nguồn nước, tuy nhiên, ngay sau đó gia đình ông phát hiện nước trong giếng có vị mặn chát. “Cái giếng này có nước quanh năm, rất trong và mát, nhưng chỉ để tắm bò thôi. Đã vài lần tôi múc nước giếng này lên nấu cơm thì ngay sau đó cơm bị ôi thiu, còn nấu canh thì canh có vị mặn chát, rất khó chịu”, bà Lê Thị Chi, vợ ông Hương cho biết. Từ đó đến nay, gia đình ông phải mua ống nhựa nhỏ để xin dẫn nước từ giếng của một người dân ở xóm khác, cách nhà khoảng 500m về để sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.

Đồng cảnh ngộ như gia đình ông Hương, gia đình ông Nguyễn Hải cũng phải bỏ ra hàng chục triệu đồng để đào giếng lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, khi thuê thợ đào cái giếng thứ nhất thì nước bị nhiễm mặn, đào cái giếng khác, may mắn không bị nhiễm mặn nhưng lại bị nhiễm phèn. “Dù nước nhiễm phèn còn hơn nhiễm mặn vì có thể lắng lọc sử dụng tạm, chứ nước bị nhiễm mặn thì bó tay”, ông Hải nói.

Lạ kỳ, nước giếng trên núi cao ở Phú Yên bị nhiễm mặn

Giếng nước nhà ông Phan Văn Hương chỉ dùng vào việc tắm rửa cho gia súc - Ảnh: Hữu Nghị

Ngoài gia đình ông Hương, ông Hải, hiện khoảng 5 hộ dân khác ở xóm Đồng Cát cũng có giếng nước bị nhiễm mặn. Những ngày nóng nắng, nước trong giếng đóng thành ván muối nổi lềnh bềnh trên mặt. Ông Phạm Quang Trung, cán bộ địa chính xã An Lĩnh xác nhận tình trạng nước giếng của nhiều hộ dân ở xóm Đồng Cát bị nhiễm mặn lâu nay là có thật, nhưng chưa hiểu vì nguyên nhân gì. Theo ông Trung, chỉ có nước giếng ở xóm Đồng Cát mới xảy ra hiện tượng này, còn nước các giếng khác ở trong xã vẫn bình thường.  

Để giải quyết tình trạng thiếu nước của người dân xóm Đồng Cát, xã An Lĩnh đã kiến nghị huyện Tuy An cho xây dựng một công trình nước sạch tập trung phục vụ người dân xóm Đồng Cát. Tuy nhiên, theo ông Phạm Quang Trung, qua khảo sát cho thấy nguồn nước ở khu vực này không ổn định và trữ lượng nước ít nên không thể xây dựng công trình cấp nước tập trung. 

Nước mặn có thể do tầng đất đá ngày xưa được hình thành trong biển

Tiến sĩ Trần Đắc Lạc, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa - chuyên gia địa chất, nhận định: Việc nước giếng ở xóm Đồng Cát, xã An Lĩnh bị nhiễm mặn có khả năng do người dân đào trúng tầng đất đá mà ngày xưa được hình thành trong biển. Nếu đào qua tầng đất đá này, hoặc cạn hơn thì sẽ không bị nhiễm mặn. Vì vậy khi đào giếng, người thợ phải biết để tránh. Cũng theo tiến sĩ Trần Đắc Lạc, nước giếng ở xã An Lĩnh bị mặn chát là do gặp vị trí độ mặn tập trung tạo thành chỏm muối, cô đặt lại. Để biết nguồn nước các giếng này có chứa độc tố hay không thì ngành chức năng phải lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm.

Hữu Nghị