Bị cáo Đỗ Hữu Ca: “Tôi hối tiếc vì lụy tình mà phạm tội”
Nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Hữu Ca (Cựu Giám đốc Công an TP. Hải Phòng) cho rằng, bản thân thấy hối tiếc và ân hận do lụy tình mà vướng vòng lao lý.
Tranh luận về việc “ra giá” chạy án
Bào chữa cho Đỗ Hữu Ca, luật sư (LS) Bùi Phương Lan cho rằng, mức án VKS đề nghị từ 10-11 năm tù đối với thân chủ của mình là quá nặng.
Theo LS Lan, ông Ca đã nhận thức được sai phạm của mình, thành khẩn nhận tội và đề nghị HĐXX giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên, đề nghị HĐXX xem xét đến bối cảnh, hoàn cảnh phạm tội.
Trong vụ việc này, ông Ca không đưa ra thông tin gian dối, sai sự thật trước khi nhận tiền. Theo lời khai của vợ chồng Đước cũng thể hiện việc đưa tiền do hai bị cáo này chủ động thực hiện khi bị cáo Ca chưa có yêu cầu gì.
“Việc Ngọc Anh đưa tiền cho ông Ca đều diễn ra bất ngờ, đột xuất và không hẹn trước. Trong khi đó, theo cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì thông tin gian dối phải có trước khi việc đưa-nhận tiền diễn ra”, LS Lan nhấn mạnh.
Theo luật sư, trong khoảng thời gian 4 lần đưa-nhận tiền, cũng như sau lần nhận tiền thứ 4, bị cáo Ca đều không đưa ra thông tin gian dối, chỉ nói với Đước là “chưa thấy thông tin gì từ cơ quan điều tra”. Điều này thể hiện bị cáo Ca không có ý thức lừa đảo, đưa ra thông tin gian dối nhằm để vợ chồng Đước đem tiền đến cho mình.
LS Lan nhận định, bị cáo Ca có ý thức chiếm đoạt 35 tỷ cũng không phù hợp, bởi chưa có chứng cứ vững chắc khẳng định Ngọc Anh có đến đòi tiền nhưng ông Ca không trả.
Cho rằng bị cáo Ca không còn là đối tượng gây nguy hiểm cho xã hội, LS đề nghị HĐXX xem xét không cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, đồng thời xem xét trả lại cho gia đình bị cáo Ca một số tài sản đã thu giữ trong quá trình khám xét nhà.
Trong phần trình bày của mình, bị cáo Ca cho hay, không đối đáp nội dung gì và đồng tình với quan điểm bào chữa của luật sư.
“Bị cáo Ca nhận tiền nhưng không làm gì”
Tranh luận với quan điểm của luật sư bào chữa cho Đỗ Hữu Ca, VKS khẳng định, có việc bị cáo Ca đưa ra thông tin gian dối với Ngọc Anh.
Tuy vợ chồng Đước chủ động đưa tiền cho Đỗ Hữu Ca, nhưng sau khi nhận tiền, bị cáo này đã không có động thái nào để lo cho Đước. Khi Ngọc Anh đến xin tiền, bị cáo Ca còn bảo “đi về đi”.
Về đề nghị trả lại cho gia đình bị cáo Ca một số tài sản mà Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Quảng Ninh đang tạm giữ, VKS cho biết, cơ quan ANĐT đã quyết định tách vụ án để làm rõ về hành vi không kê khai, đóng thuế thu nhập cá nhân của vợ chồng Đỗ Hữu Ca trong hoạt động đầu tư kinh doanh dự án, bất động sản.
Hiện nay, CQĐT đã có quyết định tạm đình chỉ xác minh do đã có văn bản ủy thác điều tra gửi đến CQĐT Công an các tỉnh, thành và CQĐT Công an các quận, huyện, của TP. Hải Phòng và Quảng Ninh nhưng chưa có kết quả.
Đối với nhóm bị cáo bị buộc tội về hành vi “Mua bán trái phép hóa đơn” và “Đưa hối lộ”, luật sư bào chữa cho Trương Xuân Đước cơ bản đồng tình với tội danh mà VKS đã truy tố; đề nghị HĐXX xem xét đến một số tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo, đồng thời đề nghị tuyên trả toàn bộ 35 tỷ đồng bị cáo buộc “đưa hối lộ” cho bị cáo Ca.
Trong khi đó, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố của mình đối với bị cáo Đước, không đồng tình với quan điểm của luật sư về cách xác định mức gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Về hành vi đưa hối lộ của bị cáo Đước, VKS đã cân nhắc tình tiết “chủ động khai báo” của bị cáo một cách nhân văn, toàn diện (như việc hai vợ chồng cùng là bị cáo trong vụ án, bị truy tố về hai tội danh).
Đề nghị trả lại một phần tiền tang vật vụ án hối lộ
Về số tiền 35 tỷ đồng là tang vật của vụ án, cần tịch thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, xét thấy bị cáo Đước đã chủ động khai báo hành vi đưa hối lộ nên VKS đã đề nghị HĐXX trả lại một phần tiền đưa hối lộ là 15 tỷ đồng.
Bào chữa cho Đỗ Thanh Hoài (nguyên Đội phó Đội kiểm tra thuế, Chi cục Thuế huyện Cát Hải, bị VKS đề nghị mức án đến 5 năm 6 tháng), luật sư nhận định, Hoài thực hiện hướng dẫn Trương Xuân Đước kê khai thuế (để không bị cơ quan chức năng phát hiện mua bán hóa đơn) theo chỉ đạo của cấp trên. Hành vi này có tính thụ động và Hoài không tham gia vụ việc từ ban đầu.
Tại phần lời nói sau cùng, cũng như phần tranh luận trước đó, bị cáo Trương Xuân Đước không đưa ra lời bào chữa cho mình mà chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Ca.
Còn bị cáo Ngọc Anh đề nghị HĐXX khoan hồng cho bị cáo Ca do bản thân bị cáo đã chủ động đến nhờ ông Ca giúp đỡ, sự việc xảy ra là không mong muốn. Đồng thời, đề nghị HĐXX xem xét đến hoàn cảnh gia đình (mẹ già, con nhỏ) để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Nói lời sau cùng, bị cáo Đỗ Hữu Ca trình bày: “Tôi rất buồn vì kết luận điều tra và cáo trạng chỉ dưa theo lời khai của Đước và Ngọc Anh. Tôi rất quý Đước, coi như anh em trong gia đình. Bản thân rất cảm động việc Đước chăm sóc mẹ già của tôi. Tôi không có tiền cho Đước thì thôi, chứ không bao giờ có tư tưởng lấy tiền, lừa tiền Đước. Tôi đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho vợ chồng Đước để sớm trở về với xã hội".
Theo ông Ca, bản thân hối hận, đau buồn vì cuối đời lại có việc làm mang tính vô thức, vì lụy tình mà phạm tội, gây ảnh hưởng đến nhiều người và không có cơ hội để sửa chữa. Bị cáo xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt để được sớm trở với gia đình, để được chữa bệnh.
"Xin lỗi Đảng, Nhà nước, Chính phủ, ngành Công an vì không thực hiện được lời thề của người công an. Tôi xin lỗi ngành Công an Hải Phòng đã gây ảnh hưởng uy tín của đơn vị”, bị cáo Đỗ Hữu Ca nói.