Tòa nhận định Trương Mỹ Lan có quyền quyết định toàn bộ tại SCB
Sáng 11/4, TAND TP.HCM tiến hành phần tuyên án đối với Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo trong vụ án Vạn Thịnh Phát.
Qua diễn biến phiên tòa từ ngày 5/3 đến ngày 4/4, trừ bị cáo Trương Mỹ Lan các bị cáo khác đều đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Trong 86 bị cáo, có 5 bị cáo bị xét xử vắng mặt do đang bỏ trốn và bị truy nã, 1 bị cáo xin xét xử vắng mặt do bị bệnh được HĐXX chấp nhận.
Riêng bị cáo Nguyễn Cao Trí là bị cáo duy nhất không phải là đồng phạm của bị cáo Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho SCB. Bị cáo Nguyễn Cao Trí bị xét xử về hành vi tìm cách chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan sau khi biết thông tin bị cáo Lan bị bắt.
Sáng nay, HĐXX cho phép các bị cáo lớn tuổi, sức khỏe yếu được phép ngồi nghe tuyên án. Chủ tọa tóm tắt nội dung hành vi phạm tội theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa.
Về tố tụng, HĐXX nhận định, các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện đúng quy định của pháp luật. Đối với các bị cáo xét xử vắng mặt, HĐXX tạo điều kiện cho luật sư của bị cáo này bào chữa tại Tòa. Các bị cáo vắng mặt được xác nhận không ảnh hưởng đến diễn biến của phiên tòa, không ảnh hưởng đến nội dung xét xử.
Đối với hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan, HĐXX nhận định có đủ căn cứ xác định bị cáo Lan đã sở hữu gián tiếp trên 91,5% cổ phần của SCB.
Thực chất bị cáo Lan là chủ SCB, có quyền điều hành cao nhất tại SCB. Bị cáo Lan không chỉ chi phối về tài chính mà còn chi phối cả nhân sự của SCB. Dù không quản lý điều hành trực tiếp nhưng bị cáo Lan có vai trò cao nhất, có quyền quyết định toàn bộ tại SCB.
Từ đó, bị cáo Trương Mỹ Lan sử dụng SCB như công cụ tài chính, huy động vốn từ các tổ chức cá nhân, rồi sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để lập hồ sơ vay khống, nâng giá tài sản đảm bảo; đưa tài sản không đủ pháp lý, rút tài sản có giá trị lớn hóa đổi bằng tài sản có giá trị thấp hơn để rút tiền SCB.
Về thiệt hại của vụ án, từ 2012 - 2022, SCB đã giải ngân cho nhóm bị cáo Trương Mỹ Lan hơn 2.500 khoản vay với tổng số tiền hơn 1 triệu tỷ đồng, chiếm 93% số tiền cho vay của ngân hàng.
Đến năm 2022, nhóm bị cáo Lan còn 1.284 khoản vay, dư nợ tại SCB hơn 677.000 tỷ đồng (gần 484.000 tỷ đồng dư nợ gốc, hơn 193.000 tỷ tiền lãi), nằm trong nhóm không có khả năng thu hồi.
Tại phiên tòa, Viện KSND TP.HCM xác định Trương Mỹ Lan gây thiệt hại và sử dụng toàn bộ số tiền chiếm đoạt nên về trách nhiệm dân sự, bị cáo Trương Mỹ Lan phải bồi thường toàn bộ hơn 677.000 tỷ đồng cho SCB. Trong khi đó, SCB đề nghị HĐXX xác định thiệt hại của ngân hàng này tính đến ngày bắt đầu xét xử sơ thẩm là 761.802 tỷ đồng.
Trong đó nợ gốc là gần 484.000 tỷ đồng, nợ lãi, phí tạm tính là hơn 277.800 tỷ đồng. Đồng thời, SCB đề nghị bị cáo Trương Mỹ Lan và các đồng phạm phải có trách nhiệm liên đới khắc phục toàn bộ thiệt hại.
Về tội tham ô tài sản, VKS cho rằng hành vi của bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm trong suốt 10 năm được chia thành 2 giai đoạn. Với hành vi phạm tội xảy ra trước ngày 1/1/2018, xử lý theo điều khoản tương ứng là điều 179 "Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng".
Còn hành vi của bị cáo Lan xảy ra từ 0 giờ ngày 1/1/2018 sẽ xử lý theo Bộ luật Hình sự mới, tương ứng với tội Tham ô tài sản. HĐXX nhận định VKS cáo buộc bị cáo Trượng Mỹ Lan phạm tội tham ô tài sản là đúng.
Báo Công lý tiếp tục cập diễn biến phiên tòa.
Tại Bộ luật Hình sự năm 1999, nhóm tội tham nhũng, trong đó có tham ô tài sản chỉ áp dụng với những người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực công.
Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), chủ thể của tội Tham ô tài sản là người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức nhà nước và doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước; từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực trách nhiệm hình sự.