Thách thức của xuất khẩu Việt Nam trước xu hướng phi toàn cầu hóa
Doanh nghiệp Việt đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là các xu thế mới trên toàn cầu.
Theo Bộ Công Thương, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức.
Trong đó, xu hướng phi toàn cầu hóa đang tiếp tục trỗi dậy mạnh mẽ. Chính sách bảo hộ của các nước ngày một tăng. Việc các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, an toàn cho người tiêu dùng đang tiếp tục là tiền đề để tạo ra những tiêu chuẩn hoặc quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.
Đáng lo ngại, việc các nước đa dạng hóa nguồn cung ngoài Trung Quốc, tập trung vào một số đối tác gần thị trường và đối tác tương đương Việt Nam như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Indonesia, Bangladesh... sẽ làm gia tăng sự cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các quốc gia đang có xu hướng sử dụng công cụ giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong 2 năm 2022 và 2023, nước giảm giá đồng tiền tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); thứ hai là Bangladesh giảm 21% trong 2 năm, Trung Quốc giảm 11% từ 6,2 nhân dân tệ xuống 7,2 nhân dân tệ, và Việt Nam khoảng hơn 3%.
Ngành kinh tế xuất khẩu cạnh tranh với nhiều quốc gia khác nhau và có thị trường phát triển. Do vậy, việc tiếp cận chính sách tiền tệ cần theo phương pháp so sánh và đối chiếu với các quốc gia cạnh tranh khác, để xem xét ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngành, qua đó có được những kiến nghị liên quan đến mục tiêu đẩy mạnh các ngành xuất khẩu.
Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ (Tổng cục Thống kê) cho biết, xuất khẩu của Việt Nam dự báo tăng nhẹ nếu trong điều kiện kinh tế thế giới ổn định. Tuy vậy, có một số yếu tố tác động tới Việt Nam khi Ngân hàng châu Âu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự báo duy trì lãi suất ở mức cao. Điều này gây áp lực lớn đối với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, đặc biệt với các ngành dệt may, da giày... khi phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu và nhập khẩu phần lớn nguyên liệu đầu vào.
Bộ Công Thương cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tập trung theo dõi sát tình hình để kịp thời ứng phó vì còn những khó khăn, thách thức tiềm ẩn như lãi suất còn cao, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động; các thị trường xuất khẩu phục hồi nhưng chưa bền vững…
Hiện tại, tình hình phục hồi sản xuất khá tốt đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng đang nỗ lực tìm kiếm khả năng để tiến tới ký kết các Hiệp định Thương mại tự do FTA với những địa bàn chưa có FTA như Trung Đông, Nam Á, Châu Phi, qua đó cải thiện nâng cao kim ngạch xuất khẩu.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, việc tham gia nhiều FTA sẽ giúp hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn. Bộ Công Thương tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó sẽ mở rộng đàm phán các FTA, phổ biến để hiện thực hóa các ưu đãi từ FTA mà chúng ta đã ký kết và đi vào thực thi; đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện chuyển đổi số; giúp doanh nghiệp khơi thông xuất khẩu hàng hoá; đơn giản hoá thủ tục xuất nhập khẩu.