Thanh Hóa: Loạn sản xuất gỗ dăm trái phép và câu chuyện trách nhiệm

Đời sống - Ngày đăng : 13:43, 05/05/2016

Thời gian gần đây dư luận tại Thanh Hóa hết sức bức xúc trước thực trạng các cơ sở sản xuất gỗ dăm trái phép mọc tràn lan trước sự buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại. Người dân nghi ngại cho rằng có sự "bảo kê cho hoạt động sản xuất kinh doanh này.

Đùn đẩy trách nhiệm

Để quản lý hoạt động sản xuất gỗ dăm đúng pháp luật, ngay từ đầu năm 2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã có Văn bản số 2775/BNN-CB chỉ đạo rõ, đối với địa phương thuộc các vùng Tây Bắc bộ, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long phải xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu theo khoản 1, mục III, Điều 1 Quyết định số 5115/QĐ-BNN-TCLN ngày 1/12/2014 của Bộ NN&PTNT.

Mặc dù văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ NN&PTNT rõ ràng như vậy, nhưng theo điều tra của phóng viên, tại tỉnh Thanh Hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh gỗ dăm trái phép đang diễn ra rầm rộ mà không có sự quản lý của cơ quan hữu trách.

Thanh Hóa: Loạn sản xuất gỗ dăm trái phép và câu chuyện trách nhiệm

Cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép Minh Long 

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thanh Hóa cho thấy trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 10 huyện sản xuất gỗ dăm, trong 39 cơ sở sản xuất có tới 28 cơ sở sản xuất không hợp pháp. Hướng xử lý được đưa ra là phải dừng mọi hoạt động liên quan đến việc thu mua nguyên liệu và sản xuất dăm gỗ, chủ động tháo dỡ nhà xưởng và các loại máy móc thiết bị đối với các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép. Đối với các cơ sở băm dăm gỗ hoạt động vượt công suất, yêu cầu các đơn vị tổ chức sản xuất theo đúng nội dung, quy mô công suất đã được UBND tỉnh chấp thuận.

Ngay tại khu kinh tế Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) cũng tồn tại các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép hoạt động công khai suốt ngày đêm. Làm việc với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thi, Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn thừa nhận tại khu kinh tế có 5 cơ sở sản xuất gỗ dăm không hợp pháp, đó là các cơ sở của Công ty TNHH đầu tư Nghi Sơn (xã Nghi Sơn), Công ty Cổ phần Sinh Lộc Phát (xã Nghi Sơn), Công ty TNHH Thành Tiến (xã Hải Thượng), Công ty TNHH Minh Long, Công ty TNHH Việt Trung (đều ở xã Trường Lâm).

Nói về trách nhiệm xử lý, BQL cho rằng đây là việc của chính quyền địa phương, BQL không có quyền hạn xử lý. Khi được hỏi thì ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Tĩnh Gia cho rằng “Cái đó đi mà hỏi BQL khu kinh tế, huyện chỉ lo cho đời sống nhân dân”.

Thanh Hóa: Loạn sản xuất gỗ dăm trái phép và câu chuyện trách nhiệm

Xưởng sản xuất gỗ dăm không phép đang được xây dựng bởi Công ty cổ phần Tân Phú (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia)

Với sự đùn đẩy trách nhiệm này không thể không khiến dư luận nghi ngờ về việc không minh bạch, bảo kê cho các cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép.

Vì sao lại có sự đùn đẩy?

Việc đùn đẩy trách nhiệm xử lý giữa các cơ quan quản lý đối với các xưởng sản xuất gỗ dăm không phép, trái phép tại Thanh Hóa là một thực tế đang diễn ra. Người dân, dư luận không khỏi nghi ngờ về năng lực quản lý, dấu hiệu "bảo kê" khi việc các cơ sở sản xuất băm dăm không phép tồn tại ngay trong khu vực quản lý, đất của Khu kinh tế Nghi Sơn trong thời gian dài, diễn ra cả ngày lẫn đêm mà lãnh đạo khu kinh tế này không biết, chỉ đến khi các cơ quan báo chí vào cuộc điều tra, phản ánh thì mới đi kiểm tra và có báo cáo xác nhận 5 cơ sở sản xuất dăm gỗ bất hợp pháp.

Theo tìm hiểu của phóng viên cho thấy, hoạt động sản xuất dăm không phép này thu lợi nhuận lớn, phá vỡ vùng nguyên liệu, không có biện pháp xử lý vấn đề môi trường, khiến Nhà nước thất thu thuế. Sản phẩm thường được xuất sang thị trường Trung Quốc.

Thanh Hóa: Loạn sản xuất gỗ dăm trái phép và câu chuyện trách nhiệm

Ông Cao Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia

Trao đổi với phóng viên về vấn đề ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng các xưởng sản xuất, chế biến gỗ dăm trái phép mọc tràn lan trên địa bàn, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định là đơn vị quản lý Nhà nước trên địa bàn phải chịu trách nhiệm.

Khi các cơ sở băm dăm bất hợp pháp tại Khu kinh tế Nghi Sơn chưa được xử lý, dẹp bỏ thì theo điều tra của phóng viên tại đây lại tiếp tục “mọc” thêm một cơ sở sản xuất gỗ dăm không phép khác, đó là của Công ty cổ phần Tân Phú (xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia).

Chủ cơ sở này đang tiến hành san mặt bằng, làm nhà xưởng trên khu đất lên đến hàng nghìn m2. Ông Cao Văn Sự, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Lâm thừa nhận Công ty cổ phần Tân Phú đang xây dựng nhà máy gỗ dăm trái phép. UBND xã đã lập biên bản yêu cầu dừng thi công và báo cáo vụ việc với UBND huyện.

Mặc dù bị chính quyền xã đình chỉ, nhưng cơ sở này vẫn được xây dựng một cách lén lút và tìm cách mua điện của Chi nhánh Điện lực huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Việc cưỡng chế dẹp bỏ xưởng gỗ dăm trái pháp luật, theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Trường Lâm là do UBND huyện Tĩnh Gia duyệt!?

Công Minh