Sếp lớn của FLC nâng khống vốn từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng như thế nào?
Cựu Tổng Giám đốc FLC Doãn Văn Phương dù đã xuất cảnh, song VKSNDTC vẫn làm rõ vai trò của bị can này trong vụ nâng khống vốn điều lệ tại Công ty FAROS.
Như Báo Công lý đã đưa tin trước đó, ngày 9/4, VKSNDTC đã ban hành cáo trạng truy tố 50 bị can liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tập đoàn FLC, Công ty FAROS... Trong đó, cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc 2 tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán".
Riêng bị can Doãn Văn Phương - cựu Tổng Giám đốc FLC, cơ quan chức năng xác định ông này đã xuất cảnh ra nước ngoài, nên tách hồ sơ để xử lý sau. Song trong bản cáo trạng, cơ quan công tố đã nêu bật vai trò của Doãn Văn Phương.
Theo cáo trạng, tháng 8/2012, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo Doãn Văn Phương - Tổng Giám đốc FLC cùng một số cá nhân mua lại Công ty Green Belt có vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng (sau hai lần đổi tên thành Công ty FAROS). Doãn Văn Phương được giao làm Chủ tịch HĐQT Công ty FAROS và mọi hoạt động của doanh nghiệp này Trịnh Văn Quyết chỉ đạo, điều hành trực tiếp thông qua bị can Phương.
Do FAROS không có nguồn vốn và tài sản đảm bảo, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo các thành viên trong tập đoàn FLC thực hiện các thủ tục nâng khống vốn điều lệ của doanh nghiệp này, từ đó phát hành cổ phiếu, đăng ký niêm yết trên sàn chứng khoán bán cho các nhà đầu tư.
Để thực hiện tăng vốn điều lệ khống của FAROS, Trịnh Văn Quyết giao em gái - Trịnh Thị Minh Huế soạn thảo bộ Biên bản họp HĐQT, Nghị quyết HĐQT sau đó chuyển cho các thành viên (có Doãn Văn Phương…) ký hợp thức tài liệu này.
Bị can Quyết còn trực tiếp chỉ đạo Huế soạn thảo hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần ủy nhiệm chi chuyển cho các cá nhân nhờ đứng tên là cổ đông góp vốn khống tại FAROS. Sau đó, Quyết, Phương chỉ đạo việc sử dụng góp vốn khống này nhằm hợp thức hóa tài sản của FAROS bằng thủ đoạn: Ký khống các hợp đồng ủy thác đầu tư, hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các cá nhân, pháp nhân là người thân quen, nhân viên Tập đoàn FLC… để cân đối vốn góp khống.
Theo cáo trạng truy tố, trong thời gian từ tháng 4/2014 – 3/2016, Trịnh Văn Quyết và các bị can 5 lần lập hồ sơ góp vốn khống, nâng số vốn điều lệ của Công ty FAROS từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng.
Lần đầu tiên tăng từ 1,5 tỉ lên 22 tỉ đồng: Kết quả điều tra xác định, với 35 tỉ đồng ban đầu, sau 8 lần quay vòng luân chuyển tiền qua các tài khoản, Công ty FAROS phát sinh tăng 223,5 tỉ đồng, từ đó doanh nghiệp này có vốn điều lệ tăng thành 225 tỉ đồng.
Công ty FAROS đã hạch toán nhập quỹ (tiền mặt) số tiền 223,5 tỉ góp vốn nêu trên nhưng thực tế không có tiền thật mà hạch toán khống trên sổ sách kế toán. Sau đó, FAROS gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội đề nghị thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, ghi nhận vốn điều lệ 225 tỉ đồng.
Lần thứ hai, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo tăng vốn điều lệ của FAROS lên thành 1.125 tỉ đồng (tăng thêm 900 tỉ) bằng việc phát hành thêm cổ phần. Thời điểm này Doãn Văn Phương được bầu làm chủ tịch HĐQT FAROS, đại diện theo pháp luật. Lúc đó, Trịnh Văn Quyết trực tiếp nhờ, hoặc giao Huế nhờ 12 cá nhân (đều là người thân, quen, nhân viên các công ty thuộc FLC) giúp đứng tên cổ đông góp vốn bằng cách ký hợp thức các hợp đồng nhận chuyển nhượng cổ phần, nhưng không phát sinh thanh toán tiền nhận chuyển nhượng.
Với 65,74 tỉ đồng từ tài khoản 11 cá nhân, 1 doanh nghiệp, sau 12 lần quay vòng dòng tiền (trong thời gian 2 ngày 27-28.5.2015), FAROS tăng thêm 900 tỉ đồng tiền góp vốn khống. Sau đó, Doãn Văn Phương ký thông báo gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội và được ghi nhận vốn điều lệ của FAROS là 1.125 tỉ đồng.
Lần thứ 3, theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết việc tăng vốn điều lệ từ 1.125 lên 3.037,5 tỉ, Huế soạn thảo tờ trình về phương án phát hành cổ phần để Doãn Văn Phương ký. Số cổ phần phát hành là 191,25 triệu cổ phần (tương đương 1.912,5 tỉ đồng).
Với các thủ đoạn tương tự như các lần tăng vốn trước, Huế giao cho 15 cổ đông của FAROS ký khống sẵn 38 Ủy nhiệm chi và 48 Giấy nộp tiền mặt để bị can sử dụng quay vòng nhiều lần, nâng khống vốn của doanh nghiệp này đủ 1.192,5 tỉ đồng, lên thành 3.37,5 tỉ đồng.
Doãn Văn Phương tiếp tục ký ban hành Giấy đề nghị thay đổi nội dung đăng ký cũng như vốn điều lệ của FAROS lên thành 3.037 tỉ đồng.
Lần thứ 4 tăng thành 3/500 tỉ cũng với thủ đoạn tương tự. Đến lần thứ 5, Trịnh Văn Quyết bàn bạc với Doãn Văn Phương chỉ đạo Huế cùng đồng phạm thực hiện bằng hình thức hoán đổi nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty CP Đầu tư Tài chính RTS (công ty có vốn điều lệ 800 tỉ đồng do Nguyễn Thanh Bình, bạn của Quyết làm chủ tịch HĐQT) để làm tăng vốn cho FAROS.
Theo VKSNDTC, 5 lần tăng vốn điều lệ của FAROS, đều do Trịnh Văn Quyết, Doãn Văn Phương bàn bạc. Sau mỗi lần tăng vốn hoàn thành, Doãn Văn Phương đều thông báo kết quả với Trịnh Văn Quyết.
Tài liệu điều tra xác định, FAROS chỉ có số vốn thực góp là hơn 1.197 tỉ; còn số tiền nâng khống là hơn 3.102 tỉ đồng.
Thủ đoạn cấp khống tiền để thao túng chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết