Thăm nhà thờ Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Tô Vĩnh Diện ở quê nhà
Tô Vĩnh Diện (1924 - 1954) là Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) . Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 8 anh chị em ở thôn Dược Khê, xã Nông Trường, huyện Nông Cống (nay thuộc huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tô Vĩnh Diện đã hy sinh khi dùng thân mình để cứu khẩu pháo không bị lăn xuống vực trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa.
Xã Nông Trường những ngày tháng 4, khắp các con đường, ngõ xóm đều rợp bóng cờ hoa để hướng tới đại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Đây là quê hương, nơi sinh ra và lớn lên đầy kỷ niệm của Anh hùng Tô Vĩnh Diện.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, nơi thờ tự Anh Hùng LLVTND Tô Vĩnh Diện và người thân của anh, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Tô Vĩnh Châu, người cháu phụ trách hương khói.
Qua câu chuyện của ông Châu, ký ức làng quê xưa kia bỗng ùa về. Anh hùng Tô VĨnh Diện là người con thứ 3 trong gia đình 8 anh chị em. Do nhà nghèo nên khi lên 8 tuổi, ông Diện đã phải đi ở cho địa chủ để kiếm cơm ăn. Suốt 12 năm đi ở, ông đã phải chịu đựng bao cảnh áp bức bất công. Cách mạng Tháng Tám thành công, Tô Vĩnh Diện thoát cảnh đi ở và bắt đầu tham gia phong trào du kích của địa phương.
Năm 1950, tại Thanh Hóa nổ ra một vụ bạo loạn, ông bị những người nổi loạn bắt giữ. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải cử một đơn vị quân sự xuống hỗ trợ cán bộ trấn an tình hình. Ông được giải cứu và từ đó chính thức nhập ngũ trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Tháng 3/1953, ông được triệu tập để tham gia lực lượng pháo phòng không, huấn luyện ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Ông được chỉ định là trung đội phó thuộc đại đội 829, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367 và được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam.
Sau 8 tháng huấn luyện, tháng 12/1953, ông cùng đơn vị về nước và ngay lập tức hành quân lên Điện Biên Phủ. Ông được điều về đại đội 827 làm trung đội phó trực tiếp phụ trách khẩu đội 3, khẩu pháo cao xạ 37mm số hiệu 510681, thuộc loại pháo phòng không 37mm một nòng mẫu 61-K kiểu M1939, do Liên Xô sản xuất và viện trợ.
Cùng thời gian, tại quê nhà của anh hùng Tô Vĩnh Diện, theo tiếng gọi của Đảng và Bác Hồ, 2 người anh trai của ông là Tô Vĩnh Mạo và Tô Vĩnh Kiện đã tòng quân lên đường nhập ngũ, chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng tại Điện Biên. Khi cả nước một lòng hướng về Điện Biên, thì bố của ông, Cụ Tô Vĩnh Uy cùng với dân quân địa phương cũng đã tham gia đoàn dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực lên chiến trường Điện Biên.
Trên chiến trường Điện Biên Phủ lúc bấy giờ, các đơn vị pháo nhận được mệnh lệnh phối hợp với các đơn vị bộ binh kéo pháo trở ra điểm tập kết tại Bắng Hôm để ăn tết Giáp Ngọ và chờ lệnh mới.
Ngày 1/2/1954, trên đường kéo pháo ra, đến một con dốc cao và hẹp ở gần Bản Chuối, Tô Vĩnh Diện cùng một đồng chí khác phụ trách điều khiển càng pháo để chỉnh hướng cho một đơn vị bộ đội kéo dây tời giữ pháo. Ngoài ra còn có 2 chiến sĩ phụ trách chèn bánh pháo.
Khi quân Pháp bắn pháo từ Mường Thanh lên, lúc này, dây tời bị đứt khẩu pháo đã lăn qua chèn. Tô Vĩnh Diện lập tức bỏ càng pháo phía trong, chuyển sang càng pháo phía ngoài, dùng vai tì vào càng đẩy, nhưng trọng lượng cộng với lực lao quá lớn, sức người có hạn nên Tô Vĩnh Diện đã nằm ngang thân bánh pháo và hi sinh sau đó.
Với tinh thần đoàn kết của cả dân tộc, kết hợp với tài trí mưu lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Khi cả nước đang hân hoan trong niềm vui thắng trận, thì gia đình ở quê nhà nhận được tin ông Diện đã hi sinh trong lúc đang làm nhiệm vụ.
“Khi biết tin ông Diện hi sinh, gia đình và xóm làng đều đau buồn. Đặc biệt là bác cả của tôi là ông Tô Vĩnh Mạo vừa khóc vừa nói, trong khi chiến đấu, cũng nghe mọi người nói về chiến sĩ pháo binh đã hi sinh thân mình để cứu lấy khẩu pháo, ai ngờ đấy chính là em ruột của mình”, ông Châu chia sẻ.
Tấm gương hy sinh cứu pháo của Tô Vĩnh Diện được toàn mặt trận học tập noi theo đưa pháo ra an toàn. Ngay tại mặt trận, Tô Vĩnh Diện được truy tặng Huân chương chiến công hạng Nhất.
Ngày 7/5/1956, Tô Vĩnh Diện được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và trở thành người anh hùng Pháo cao xạ đầu tiên của quân đội ta. Hiện nay, hài cốt của ông được Đảng và Nhà nước quy tập và an táng tại nghĩa trang Đồi A1, thành phố Điện Biên Phủ.