Dân phản đối yêu cầu đóng điểm mở để 'gom xe' qua Trạm thu phí
Sau đề nghị xin đóng điểm mở dải phân cách giữa tại Km944+250 trên QL 1A thuộc thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) để “gom xe” qua Trạm thu phí do Công ty CP Xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư, chính quyền địa phương đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến người dân.
Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) đã có kết quả lấy ý kiến giữa người dân, đại diện UBND phường, đại diện Đảng uỷ, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Điện Thắng Trung, các đoàn thể phường và các tổ dân phố liên quan đến việc Công ty CP Xây dựng công trình 545 (Công ty 545) xin đóng điểm mở dải phân cách giữa tại Km944+250; 100% người dân tham gia lấy ý kiến đã không đồng ý đóng điểm mở dải phân cách tại vị trí trên.
Theo người dân, việc đóng điểm mở nói trên ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của Nhân dân trong giao lưu giữa các khối phố, sản xuất nông nghiệp, đưa đón con đi học, cũng như đến trụ sở phường Điện Thắng Trung để giải quyết các thủ tục hành chính.
Trước đó, ông Thân Hóa, Giám đốc Công ty cổ phần xây dựng công trình 545 có văn bản gửi UBND thị xã Điện Bàn xin đóng điểm mở dải phân cách giữa tại Km 944+250 trên QL 1A, thuộc thị xã Điện Bàn. Công ty này là chủ đầu tư thực hiện và khai thác Dự án thành phần 1: Mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Km947 – Km987, theo hợp đồng BOT ngày 14/5/2014. Trạm thu phí đặt tại Km943+975, tỉnh Quảng Nam, thời gian thu phí hoàn vốn bắt đầu từ 1/1/2016 đến khoảng tháng 8/2042, trạm BOT tại thị xã Điện Bàn sẽ dừng thu phí.
Về lý do xin đóng điểm mở dải phân cách, Công ty 545 cho rằng thời gian qua doanh thu từ thu phí qua trạm BOT đã sụt giảm liên tục kể từ khi đưa trạm vào hoạt động từ năm 2016.
Theo đó, trong năm 2016, trạm BOT này mỗi ngày thu về khoảng 600 - 700 triệu đồng tiền bán vé. Tuy nhiên, kể từ năm 2017 đến nay, doanh thu từ tiền bán vé chỉ khoảng hơn 200 triệu đồng/ngày.
Công ty 545 cho biết, dự án nói trên có tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng và phía chủ đầu tư phải vay ngân hàng để lấy tiền đầu tư, xây dựng.
Với doanh thu như hiện nay, phía chủ đầu tư không đủ trả tiền lãi cho phía ngân hàng và phải chịu lỗ; trong khi hiện nay nhiều phương tiện giao thông có xu hướng "né" trạm BOT để qua khu vực Điện Thắng Trung về hướng Vĩnh Điện hoặc ngược lại.
"Mỗi năm, chủ đầu tư phải bỏ ra khoảng 4 tỷ đồng để thực hiện việc duy tu, bảo trì, sửa chữa trên toàn tuyến Quốc lộ 1 từ Km947 - Km987. Tuy nhiên, với doanh thu như hiện nay thì việc thu phí có khả năng sẽ kéo dài", đại diện Công ty CP Xây dựng công trình 545, cho hay.
Được biết, Công ty CP Xây dựng công trình 545 cũng đã đề xuất phương án di dời trạm thu phí đến vị trí mới tại khu vực gần Bệnh viện Vĩnh Đức nhưng chính quyền địa phương không đồng ý. Hơn nữa, nếu di dời đến vị trí mới phía chủ đầu tư sẽ mất vài chục tỷ đồng để đầu tư, xây dựng trong khi doanh thu hiện nay đang giảm dần.