Huyện Tân Yên: Phấn đấu nâng cao chỉ số chuyển đổi số
Năm 2024, huyện Tân Yên (tỉnh Bắc Giang) đề ra kế hoạch xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số huyện Tân Yên tổng thể, toàn diện, đưa hoạt động của các cấp chính quyền lên môi trường số. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo ra các giá trị mới cho xã hội. Tiếp tục duy trì và nâng cao chỉ số chuyển đổi số (CĐS) của huyện.
Trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, huyện Tân Yên đề ra mục tiêu cụ thể trên các lĩnh vực CĐS. Về phát triển Chính quyền số bao gồm: Tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) đạt trên 70%. Tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến từ xa đạt trên 60%. 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ trực tuyến được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương.
Tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công đạt trên 60%. Tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt trên 70%. Trên 85% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ thuộc bí mật nhà nước). 100% chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê về kinh tế - xã hội phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được thực hiện trên hệ thống thông tin báo cáo của huyện.
Trên 30% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện nâng cấp Cổng thông tin điện tử đáp ứng theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ. 100% hệ thống camera giám sát tại bộ phận một cửa điện tử từ cấp huyện đến cấp xã kết nối với Trung tâm lưu trữ, xử lý dữ liệu hệ thống camera an ninh tỉnh Bắc Giang để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.
Về phát triển kinh tế số, 100% sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh, sản phẩm chủ lực, đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện tham gia sàn thương mại nông sản huyện Tân Yên và các sàn thương mại điện tử lớn trong và ngoài nước. 100% các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể áp dụng hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử.
Về phát triển xã hội số: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 80%. Tỷ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt trên 90%. Tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức cho phép khác đạt trên 70%. Tỷ lệ hộ kinh doanh trên địa bàn có mã QR code để thanh toán không dùng tiền mặt đạt trên 80%. Tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt trên 95%.
Để đạt được các mục tiêu trên, huyện Tân Yên chỉ đạo 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp, bao gồm: Nhận thức số, Thể chế số, Hạ tầng số, Dữ liệu số, Nền tảng số, Nhân lực số, An toàn thông tin mạng, Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số
Trước hết là nâng cao nhận thức về CĐS. Tổ chức hoạt động Ngày Chuyển đổi số năm 2024 đảm bảo đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, không phô trương, hình thức. Bám sát với thực tiễn của mỗi cơ quan, địa phương, phù hợp với mục đích, ý nghĩa, tinh thần cũng như chủ đề của Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2024.
Các cơ quan, đơn vị của huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động tìm kiếm những sáng kiến, cách làm hay, mô hình về CĐS liên quan đến cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân để nghiên cứu, áp dụng cho cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Khuyến khích UBND các xã, thị trấn tham quan, học tập kinh nghiệm cải cách hành chính ở xã Hương Mai huyện Việt Yên để triển khai thực hiện tại địa phương. Chú trọng vào các sáng kiến nổi bật như: “Trợ lý ảo” hỗ trợ người dân và doanh nghiệp giải quyết TTHC trên nền tảng zalo, cấp “thẻ dịch vụ công” cho người dân, tích hợp mã QR và liên kết chức năng nộp hồ sơ trực tuyến…
Các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn yêu cầu cán bộ công chức, viên chức, người lao động, Tổ công nghệ số cộng đồng tham gia vào kênh truyền thông CĐS quốc gia trên zalo để được cập nhật kịp thời thông tin mới nhất về CĐS phục vụ công tác và đời sống. Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về CĐS đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, tổ dân phố. Tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu được lợi ích khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, mua sắm trực tuyến và sử dụng các nền tảng số, công nghệ số trong cuộc sống hằng ngày và tăng cường sử dụng các dịch vụ, tiện ích của CĐS.