Tưởng niệm và tri ân: Lễ cầu siêu và lễ tế anh linh các liệt sĩ Sư đoàn 307 - mặt trận 579
Ngày 6/4, lễ cầu siêu và lễ tế anh linh các liệt sĩ Sư đoàn 307 – mặt trận 579 đã diễn ra tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ (Gia Lai) trong không khí trang nghiêm, thành kính.
Buổi lễ cầu siêu và lễ tế anh linh các liệt sĩ Sư đoàn 307 – mặt trận 579 trang trọng diễn ra với sự tham dự của các đồng chí: Đại tá Lê Kim Giàu, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Gia Lai; bà Rơ-Com-Sa-Duyên, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở LĐTBXH Gia Lai; Đại tá Lê Đức Hải, Sư đoàn trưởng sư đoàn 307; Đại tá Hoàng Duy Chân, nguyên Phó Tư lệnh Binh đoàn 15; Đại tá Dương Hữu Quyên, nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy bộ tư lệnh QK5, nguyên Chính ủy Cục hậu cần Quân khu 5; Đại tá Đỗ Xuân Mạnh, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 94, Trung đoàn 95, nguyên Phó Tham mưu trưởng Sư đoàn 307, Thiếu tá Nguyễn Công Vỹ, nguyên Chính trị viên D17F307; ông Võ Văn Sung, Trưởng ban vận động hữu nghị tỉnh Gia Lai; các lãnh đạo đến từ các ban ngành; hơn 400 cựu chiến binh trong và ngoài Sư Đoàn 307 – mặt trận 579; các thân nhân gia đình liệt sĩ, các tình nguyện viên và các anh em cựu quân nhân Quân đoàn 3 và Binh đoàn 15 trong tỉnh Gia Lai.
Đại tá Dương Hữu Quyên – nguyên Chánh văn phòng Đảng ủy Bộ Tư lênh QK5, nguyên Chính ủy cục Hậu cần QK5 phát biểu trong diễn văn khai mạc: “Việt Nam ta có được như ngày hôm nay, chúng ta không bao giờ quên được sự hy sinh cao cả của những người con ưu tú của tổ quốc đã ra sức để bảo vệ quê hương Việt Nam thân yêu và vì nhiệm vụ quốc tế cao cả. Dù sống ở bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì, chúng ta cũng không thể nào quên được những năm tháng hào hùng… Cờ tổ quốc tô thắm máu đào liệt sĩ, đài độc lập xây bằng xương trắng máu anh hùng.”
Đồng chí Đoàn Tuấn, Nhà văn, Nhà biên kịch, Phó Tổng biên tập tạp chí Thế Giới Điện Ảnh đọc văn tế các liệt sĩ: “Các anh đã nằm lại nơi đây, những hàng bia mộ thẳng tắp như hình ảnh những đoàn quân ngày nào trung tận, song vẫn còn biết bao nhiêu người mà lịch sử vẫn chưa một ngày biết tên các anh.
Vẫn còn rất nhiều anh chưa được về đây, vẫn còn đang nằm tại những cánh rừng, dòng sông, con suối, ngọn đồi,… không được quy tập. Tuy đã rất tích cực tìm kiếm, nhưng tìm kiếm các anh như tìm kim đáy biển mà chưa thấy được để đưa các anh về đây.
Các anh đừng trách nhé! Không phải là anh em không nhiệt tình, không trách nhiệm mà do chiến tranh, thời tiết, thời gian quá lâu, địa hình thay đổi đã làm phôi phai những dấu tích, tấm bia. Nhưng dù rằng các anh đã về đây được hay chưa thì Tổ quốc ta, Nhân dân ta, Đảng ta, Nhà nước ta, những người đang sống vẫn đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ, vinh quang này đời đời thuộc về các anh với dòng chữ: “Sống chiến đấu, chết vinh quang” mãi mãi tô hồng trên các tượng đài và các nghĩa trang liệt sĩ hôm nay.”
Các cựu chiến binh rất xúc động khi có cơ hội gặp gỡ, thăm hỏi anh em đồng đội. Những nhân chứng lịch sử giờ đây tóc đã bạc màu, thân thể ghi đầy những dấu vết chiến tranh, nhưng khi ngồi bên đồng đội của mình ôn lại chuyện cũ, những người lính trận ấy như ngược dòng thời gian quay trở lại hơn 40 năm về trước, quay lại những ngày tháng thanh xuân mười tám đôi mươi “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”.
Buổi lễ gắn liền với những ký ức đau thương mất mát quá lớn ngày 03/4/1983 - “ngày giỗ trận” của Trung đoàn 95, trận chiến bi hùng tại cứ điểm 547.
“Trong 400 đồng đội hy sinh thì đã có hơn 100 đồng đội chết vì khát nước”, một cựu chiến binh chia sẻ. Các anh nhường nước, như một cách để nhường sự sống cho nhau.
Trong tiếng chuông và tiếng niệm kinh cầu siêu, mỗi nén nhang được thắp lên mộ các liệt sĩ đều chứa đựng sự tưởng nhớ, tấm lòng thành kính và biết ơn của đồng bào, đồng đội. Mũ tai bèo và huy hiệu kỷ niệm cũng được trao tặng cho mỗi người tham dự.
Buổi lễ là dịp tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn các liệt sĩ nói chung và những cán bộ chiến sĩ mặt trận 579 đã anh dũng hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia nói riêng; đồng thời tỏ lòng biết ơn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Đức Cơ đã đưa tiễn những người chiến sĩ ra trận và đón các anh trở về yên nghỉ.
Lễ cầu siêu không chỉ là sự tưởng nhớ, mà còn là nguồn động viên tinh thần vô giá, nhắc nhở mỗi chúng ta về trách nhiệm bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; không chỉ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc, mà còn là một cơ hội để thế hệ hôm nay kết nối với lịch sử, với những giá trị truyền thống cao đẹp của dân tộc. Trên khắp dải non sông Việt Nam, mỗi tấc đất đều ẩn chứa những câu chuyện hào hùng về lịch sử, từng ngọn cỏ đều thấm đượm xương máu của những anh hùng liệt sĩ anh dũng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc.