TP. Hồ Chí Minh giành lại vị thế “Hòn ngọc Viễn Đông”
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 30/04/2016
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết phong trào thi đua yêu nước năm 2015 và triển khai nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2016 tổ chức ngày 14/4/2016, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh khẳng định như vậy.
Ông Thăng trăn trở, trong quá khứ, TP. Hồ Chí Minh với tên gọi Sài Gòn đã từng là một trung tâm của cả khu vực, được tôn vinh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Ông Thăng nói: “Ở đây không chỉ là vấn đề danh hiệu, danh xưng mà là lòng tự trọng và nỗ lực quốc gia. Quá trình tụt hậu của TP. Hồ Chí Minh so với các đối tác trong khu vực có những lý do khách quan, chủ quan và không thể là cái cớ để chúng ta ngồi đổ lỗi cho nhau. Thành phố phải cùng nhau phấn đấu hết mình để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vững chắc ở vị trí đầu tàu...”.
Đầu tàu kinh tế, phát triển của cả nước
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Có thể nói, 41 năm qua, TP. Hồ Chí Minh đã tiến một bước dài trên con đường phát triển. Quy mô nền kinh tế đã tăng lên gấp nhiều lần, hệ thống cơ sở hạ tầng không ngừng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân TP. Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cao. Người dân thành phố ngày càng tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và là nhân tố chính tạo nên sự thành công của công cuộc đổi mới”.
Trung tâm TP. Hồ Chí Minh nhìn từ phía quận 2
Tận mắt chứng kiến Khu đô thị Phú Mỹ Hưng hiện đại, thịnh vượng hôm nay, ít ai ngờ rằng chỉ 20 năm trước, nơi đây là vùng đất hoang sơ, kênh rạch chằng chịt, chưa có hệ thống giao thông đường bộ. Sự hình thành của đô thị Phú Mỹ Hưng từ những năm đầu của thời kỳ đổi mới (1989) là bước đột phá quan trọng tạo nên sự thay đổi ngoạn mục đó. Gắn liền với khu đô thị Nam Sài Gòn là Đại lộ Nguyễn Văn Linh xây dựng mới, băng qua vùng đầm lầy của huyện Nhà Bè, quận 7, quận 8 và huyện Bình Chánh; trở thành tuyến giao thông huyết mạch giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, với chương trình “Phát triển thành phố tiến ra Biển Đông”, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng các khu đô thị mới ở quận 2 và quận 9 - là cửa ngõ từ TP. Hồ Chí Minh đi các tỉnh Đông Nam bộ và các tỉnh phía Bắc. Hàng loạt công trình giao thông quan trọng ở các quận phía đông đã được xây dựng và đi vào hoạt động, như: Cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, đường vành đai Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, cầu và hầm Thủ Thiêm, cầu Phú Mỹ, mở rộng Tỉnh lộ 25B và Xa lộ Hà Nội...
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh trao đổi với báo giới
Với những bước phát triển đột phá như vậy, kinh tế của TP. Hồ Chí Minh không ngừng tăng trưởng, là địa phương có nguồn thu cao nhất cả nước. Tại kỳ họp HĐND TP. Hồ Chí Minh lần 20 vừa qua, ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP. Hồ Chí Minh cho biết: Năm 2016, dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh là 298.300 tỷ đồng, tăng 11,32% so với năm 2015.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố liên kết vùng: “Trong yêu cầu xây dựng vùng kinh tế TP. Hồ Chí Minh thì liên kết vùng rất đáng quan tâm nhằm kết nối các địa phương lân cận để mở rộng, tối ưu hóa nguồn lực, tạo sức cạnh tranh. TP. Hồ Chí Minh chỉ có thể vươn xa hơn, lớn hơn khi biết phát huy nguồn lực địa phương lân cận”.
Vươn đến trung tâm của khu vực Đông Nam Á
Ngay từ năm 1996, TP. Hồ Chí Minh đã bắt tay vào xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, gồm 8 khu chức năng, có diện tích 657ha ở quận 2; với mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, thương mại mang tầm cỡ quốc tế và được kỳ vọng là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Khu đô thị hiện đại này với mức đầu tư khoảng 12.000 tỷ đồng, đang dần dần trở thành hiện thực và dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2017. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhận định: Trong những năm vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã chuyển mình đúng hướng, lợi thế của TP. Hồ Chí Minh là tạo ra những giá trị gia tăng cao và sẽ kiên trì theo hướng này. Việc chuyển hướng làm sao để phát huy lợi thế này là điều lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh phải quan tâm để đưa TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm khu vực. Theo ông Phong, sắp tới, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh sẽ giải quyết những vấn đề trọng tâm, như: tập trung tái cấu trúc kinh tế TP. Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh, nhân dân thành phố cần cùng nhau phấn đấu hết mình để TP. Hồ Chí Minh tiếp tục vững chắc ở vị trí đầu tàu, dẫn dắt sự phát triển cho cả khu vực phía Nam, tiếp tục là động lực cho những mục tiêu chiến lược của cả nước. Và, ước muốn lớn hơn là giành lại cho TP. Hồ Chí Minh ngôi vị trung tâm tài chính, khoa học - công nghệ... của khu vực Đông Nam Á. Ông Thăng kêu gọi tất cả chung tay cùng biến TP. Hồ Chí Minh thành nơi đáng sống nhất của Việt Nam.
Ông Nguyễn Thành Phong nói rõ: “Để trở thành trung tâm kinh tế của khu vực Đông Nam Á thì TP. Hồ Chí Minh cần có cơ chế để tạo sự bứt phá. TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất với trung ương chính quyền đô thị nhưng chưa được chấp thuận. Chắc chắn TP. Hồ Chí Minh sẽ kiên trì kiến nghị để có cơ chế thúc đẩy TP. Hồ Chí Minh phát triển”.
TP. Hồ Chí Minh là một thành phố trẻ, năng động và phát triển. “Chiếc áo” mà TP. Hồ Chí Minh đang “mặc” đã quá chật. Một chiếc áo mới cho TP. Hồ Chí Minh là điều cần cân nhắc, nên có. Bình minh của một ngày mới đang bắt đầu với Sài Gòn - TP. Hồ Chí Minh - thành phố hướng ra Biển Đông.