20 năm qua, tiến độ cải tạo chung cư cũ chỉ đạt 1 - 2%
20 năm qua, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên cả nước vẫn rất chậm so với kế hoạch đề ra, chỉ đạt 1 – 2%. Tỷ lệ này là quá thấp, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM.
Đó là nhận định của bà Tô Thị Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại sự kiện thường niên - "Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức chiều 5/4.
Bà Hạnh bổ sung, Dự thảo Luật Nhà ở ban đầu đưa ra 1 chương về cải tạo chung cư cũ nhưng rất sơ sài, nếu như vậy thì 10 - 20 năm nữa cũng vẫn giậm chân tại chỗ,
Việc cải tạo chung cư cũ thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội do còn liên quan đến lợi ích của người dân đang sinh sống trong các chung cư cũ nên cần phải có cơ chế hợp lý.
Bởi lẽ, người dân luôn mong muốn một hệ số đền bù cao thì mới đồng thuận di dời. Còn doanh nghiệp cần xây dựng một cơ chế để giải quyết thu hồi nguồn vốn, lợi ích hài hoà thì lại vướng mắc quy hoạch dẫn đến hạn chế phát triển. Dẫn đến, doanh nghiệp không được thoải mái xây dựng và cũng không được đưa cư dân mới vào ở sau khi dự án được cải tạo.
Như vậy, doanh nghiệp càng không có đủ chi phí vốn để cải tạo. Hai nút thắt lớn này khiến doanh nghiệp không thể cân đối trong việc thu hồi vốn, trong khi Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong điều tiết những vấn đề trên, bà Hạnh nhấn mạnh.
Cải tạo chung cư cũ giống như triển khai một loại hình nhà ở xã hội đặc biệt, cần hài hòa lợi ích giữa các bên với vai trò dẫn dắt, cầm cân nảy mực của Nhà nước để tạo cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.
Hiện nay cả nước có khoảng trên 2.500 nhà chung cư cũ (tương đương khoảng trên 3 triệu m2) được xây dựng từ trước năm 1994 với hơn 100.000 hộ dân sinh sống, theo thống kê sơ bộ của Bộ Xây dựng. Trong đó, Hà Nội có có khoảng 1.579 tòa, TP Hồ Chí Minh có gần 500 tòa. Cũng theo Bộ Xây dựng, trước đây, một trong những nguyên nhân khiến việc cải tạo, xây dựng chung cư cũ, nhất là các khu nhà tập thể xuống cấp trở nên bế tắc là do những vướng mắc về cơ chế, phương án tài chính, đền bù...
Ngoài ra, việc triển khai đầu tư xây dựng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong các thủ tục chấp thuận đầu tư, thu hồi đất, giao đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do việc áp dụng pháp luật về nhà ở, pháp luật đất đai và pháp luật đầu tư còn chồng chéo, chưa đồng bộ.