Anh hùng liệt sỹ Đoàn Thị Liên: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần hai”

Đời sống - Ngày đăng : 13:30, 29/04/2016

Câu nói bất hủ của bà đã khích lệ tinh thần TNXP vượt qua mọi khó khăn, nguy hiểm và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ thương binh, bảo vệ vũ khí đạn dược phục vụ chiến đấu.

Bà còn là biểu tượng của tuổi trẻ Việt Nam trên chiến trường đánh Mỹ, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng của hàng triệu thanh niên trong phong trào “năm xung phong”, “ba sẵn sàng”… 

Những cô gái “vai sắt, chân đồng”

Bà Đoàn Thị Liên SN 1944, trong một gia đình nông dân nghèo ở ấp 1, xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát, tỉnh Thủ Dầu Một (nay là Bình Dương). Quê hương của bà là nơi có chi bộ Cộng sản đầu tiên thành lập trước Cách mạng tháng Tám 1945, cũng là nơi có đội thanh niên tiền phong vũ trang nổi tiếng do đồng chí Nguyễn Văn Ngọ chỉ huy đứng ra bảo vệ nhân dân giành chính quyền thắng lợi tại quận lỵ Bến Cát vào những ngày Nam Bộ vùng lên, giành chính quyền về tay nhân dân.

Khi phong trào Đồng Khởi lan tỏa khắp miền Nam, Chánh Phú Hòa đã xuất hiện “Đội quân tóc dài” đấu tranh ba mũi giáp công, trong đó có người nữ thanh niên Đoàn Thị Liên. Năm 1963, bà thoát ly gia đình tham gia lực lượng du kích kháng chiến. Cuối tháng 6/1965, các cấp ủy huyện, thị phối hợp với Tỉnh đoàn động viên nam nữ thanh niên trong vùng giải phóng tham gia lực lượng TNXP chống Mỹ cứu nước. Ngày 23/11/1965, nhân kỷ niệm Nam Kỳ khởi nghĩa, tỉnh Thủ Dầu Một đã thành lập 2 đơn vị TNXP với phiên hiệu: Đại đội 1165 (còn có tên Bình Giã chiến thắng) và Đại đội 112 (mang tên Phú Lợi căm thù). Tổng quân số 120 nam, nữ là cán bộ, đội viên. Một thế hệ TNXP đầy tự hào, mang trong mình truyền thống vẻ vang của dân tộc, hoàn thành xuất sắc công tác chiến đấu cùng quân chủ lực miền Đông Nam Bộ suốt 8 năm liền (1965-1973), từng được Bác Hồ kính yêu khen: “Một thế hệ thanh niên vô cùng gan dạ, thông minh, không sợ gian khổ, hy sinh quyết chiến, quyết thắng”.

Ngày 20/4/1965, Đoàn Thị Liên chỉ huy một Trung đội TNXP từ Thủ Dầu Một hành quân đến căn cứ R dự lễ thành lập đội TNXP GPMN làm nhiệm vụ “5 xung phong”. Tại buổi lễ xuất quân giữa rừng Tân Biên, TNXP GPMN đã tuyên thệ: “Phục vụ quên mình, anh dũng xung phong, lập công vẻ vang” sát cánh với bộ đội chủ lực quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với những chiến công đạt được, TNXP Thủ Dầu Một là lực lượng được bộ đội tặng biệt danh là “Chân đồng, vai sắt, mắt ngựa, bụng thần tiên”. Thành tích của 2 đại đội qua 12 trận phục vụ quân chủ lực bộ đội Miền Đông lập nên các chiến thắng vang dội đi vào lịch sử dân tộc với những trang vàng chói lọi như: Chiến thắng Phước Long, Đồng Xoài, Bông Trang - Nhà Đỏ, Bàu Bàng, Lai Khê, Cần Đâm, Cần Lê...

Anh hùng liệt sỹ Đoàn Thị Liên: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần hai”

 Tượng đài Anh hùng Liệt sỹ Đoàn Thị Liên

Nhưng với TNXP Thủ Dầu Một mãi mãi không bao giờ quên sự kiện căm thù khi hơn 40 anh chị em đã hy sinh tại Phú Bình (Bến Cát), do máy bay B52 Mỹ thả hàng loạt bom trúng đội hình thanh niên xung phong “Phú Lợi căm thù” đang chuyển đạn ra chiến trường cho trận đánh Bàu Bàng (1965). Người chỉ huy nổi tiếng gan dạ Đoàn Thị Liên đã phải rơi nước mắt và tự tay mình đi tìm xác đồng đội, vừa động viên anh chị em còn sống tiếp tục tải đạn ra chiến trường kịp giờ nổ súng. Với đồng đội, Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên là một người chị em thân thương, ruột thịt. Mỗi lần vào chiến dịch, có chị em bị sốt rét rừng hành hạ hoặc đang bị bệnh “phụ nữ”, nhưng ai cũng tìm cách giấu diếm cố thể hiện và chứng minh đang khỏe mạnh, một hai xin đi chiến trường. Biết thế, mỗi lần lội qua suối sâu ướt mình sợ chị em nhiễm bệnh, bà Liên đã ghé vai cõng đồng đội qua suối, thậm chí khi lấy thân làm cầu người tải thương binh. Bà luôn tìm cách ưu tiên bố trí chị em khỏe mạnh ngâm mình dưới nước. Sau này về căn cứ, bà Liên nhẹ nhàng nhắc nhở chị em nên yên tâm ở lại nghỉ ngơi 3 ngày theo quy định, để còn sức mà phục vụ chiến đấu, bảo vệ sức khỏe cá nhân.

Những cái chết hóa thành bất tử…

Vào chiến dịch mùa khô năm 1966, Ban chỉ huy liên đội triển khai nhiệm vụ phục vụ Trung đoàn 6 (Sư đoàn 9) mở chiến dịch đánh Mỹ trên đường 13, tại cầu Cần Lê đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh. Đại đội “Phú Lợi căm thù” do Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên chỉ huy đã hăng hái nhận nhiệm vụ tiền trạm, tấp nập chuyển đạn dược, lương thực đến địa điểm tập kết sát đường 13 giao cho các đơn vị bộ đội. Lúc này, bà Đoàn Thị Liên bị lên cơn sốt rét nặng qua những buổi mang vác đạn dưới những cơn mưa dầm suốt nhiều ngày đêm. Y sĩ trạm quân y cho uống thuốc điều trị nhưng không cắt được cơn sốt rét rừng, trong khi ngày điểm hỏa chiến dịch cận kề. Bà như lửa đốt trong lòng, cương quyết đòi đi làm nhiệm vụ. Bà biết, trận đánh này rất quan trọng, rất ác liệt cần phải có mặt mình trong đội ngũ của Trung đội. Bà Liên tìm gặp đồng chí Chính trị viên Đại đội thuyết phục, năn nỉ đòi đi phục vụ chiến đấu. Đồng chí Tư Nha khuyên bà ở hậu cứ trị bệnh, lần sau đi cũng được. Bà vẫn giữ nguyên ý định, không thể nào can ngăn được nên đành phải chấp thuận cho đi. Bà vui mừng như hổ thả về rừng, vác đạn chạy băng băng theo đơn vị bộ đội.

Bộ đội Sư đoàn 9 phục kích bất ngờ nổ súng vào đội hình xe tăng địch đang di chuyển khiến chúng lạc đội hình và rối loạn. Sau đó, quân địch tập hợp đội hình phản kích rất dữ dội. Hai bên đánh nhau kéo dài, hỏa lực của địch rất mạnh, làm cho nhiều bộ đội ta bị sát thương, tử thương. Bằng mọi giá phải đưa thương binh ra khỏi trận địa, Đoàn Thị Liên và đồng đội nhảy lên khỏi công sự, bò sát dưới tầm đạn và pháo đại bác tìm thương binh. Nhìn thấy 2 chiến sỹ bị thương nặng, bà Liên giao cho anh em tiếp tục tìm kiếm còn bà lần lượt cõng từng người vượt qua tầm đạn lửa đưa về hầm an toàn. Vì hầm nhỏ, chỉ đủ chứa 2 người nên Liên phải ở trên vừa núp sau gò mối tránh đạn, vừa chuẩn bị bò tiếp vào trận địa tìm thương binh.

Bất thình lình một trái đạn pháo nổ gần đó, một mảnh đạn găm vào lưng làm cho bà Liên ngã xuống. Rồi các tiếng pháo nổ liên tiếp chung quanh, Liên bình tĩnh la lớn, át tiếng xung quanh: “Chị em xông ra trận cõng tiếp thương binh về hầm, nhanh lên”, lời bà còn vang lên trong trận địa pháo chụp, pháo bầy: “Thà chúng ta hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần hai”. Mệnh lệnh đó vừa dứt, thì trái pháo nổ khác trên ngọn cây, mảnh đạn chụp xuống, nhiều mảnh trúng vào người bà Liên lần thứ hai rất nặng và bà lịm dần bên trên miệng hầm che chắn cho hai đồng chí thương binh ở dưới hầm không bị thương lần nữa. Lúc này, hai anh thương binh mới biết được người chỉ huy TNXP trẻ trung đã che đạn cho mình vừa hy sinh. Hôm ấy là ngày 10/7/1966, Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên đã ngã xuống mãi mãi ở tuổi 22, với những ước mơ còn dở dang với chiếc khăn tay thêu những lúc dừng chân hành quân chưa tặng người thương...

Tấm gương anh dũng của Đoàn Thị Liên và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị TNXP GPMN. Đoàn Thị Liên được truy tặng Huân chương Thành đồng hạng Ba và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Tên người nữ anh hùng Đoàn Thị Liên còn được đặt cho một Nhà trẻ ở TP. Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương và được tuổi trẻ Bình Dương xây dựng một công viên Văn hóa và tượng đài Đoàn Thị Liên. Với các chiến sỹ giải phóng quân ngày ấy thì “Khi bị thương gặp TNXP là thấy sống. Ra mặt trận nhìn về phía sau thấy có TNXP là yên tâm...”.

Chuyện kể lại, khi nhận tin Trung đội trưởng Đoàn Thị Liên dũng cảm hy sinh che đạn cho hai thương binh, Bí thư Tỉnh đoàn thanh niên Thủ Dầu Một Trần Bình đã đến tận nơi các TNXP ngã xuống để động viên những người còn sống tiếp tục chiến đấu. Sau đó, BCH Tỉnh đoàn phát động phong trào thi đua lập công, học tập gương chiến đấu gan dạ hy sinh cao cả của bà Đoàn Thị Liên và TNXP được cán bộ, đoàn viên thanh niên tích cực hưởng ứng để trả thù cho đồng đội. Theo đó, đồng đội của bà Liên còn có người nữ anh hùng liệt tuổi 17 hy sinh là chị Võ Thị Rậm, xuất thân là công nhân cạo mủ cao su ở ấp Cầu Sắt, xã Thạnh Đức (Gò Dầu - Tây Ninh). Lúc còn bé tí tẹo, Rậm đã làm giao liên. Tháng 10/1965, Huyện đoàn Gò Dầu phát động đoàn viên, thanh niên đi TNXP phục vụ chiến trường đánh Mỹ. bà Võ Thị Rậm mới 16 tuổi phải… khai tăng thêm tuổi để được đi. Vóc dáng nhỏ nhắn, Rậm cũng cố gắng nhón chân lên khiêng thương, tải đạn như các anh chị lớn. Các anh chị cười hỏi, Rậm trả lời: “Em sợ ma chớ không sợ chết!”. Trong trận đánh An Lộc, đơn vị hành quân vác nặng suốt 15 ngày từ Long Bà Biên (Long Hải, Bà Rịa, Biên Hòa) sang. Dọc đường, anh chị em TNXP bị bệnh khá nhiều, trong đó có Võ Thị Rậm. Chiều hôm đó, Rậm vừa được y tá chích thuốc xong nghe tin có đánh lớn, vội vã… trốn theo. Trời chưa sáng, Tiểu đoàn 7 được lệnh xuất kích đồng loạt tấn công, bộ binh địch tỏa vào rừng cao su. Đợt cáng thương thứ nhất có 8 thương binh. Thấy Rậm mặt mày xanh lè vì sốt rét, tiểu đội trưởng ra lệnh: “Út Rậm quay trở lại hầm ngay” nhưng khi anh vừa quay đi, Rậm đã chạy băng lên phía trước. Đợt cáng thương thứ 3, thứ 4, sức yếu, vóc nhỏ, Rậm cũng cố dìu đỡ, cõng ra khỏi chiến địa được 4 thương binh. Lần cuối cùng, Võ Thị Rậm vừa nâng đỡ một thương binh từ công sự tạm đi ra vài bước thì bị địch bắn, đạn xuyên qua ngực.

Võ Thị Rậm ngã xuống, người thương binh ngã theo. Đạn địch bắn như mưa, Rậm cố nhoài người tới nằm đè lên người anh thương binh vì sợ anh bị thương lần nữa. Khi đồng đội tới đỡ Rậm dậy, bà thều thào qua hơi thở đứt quãng: “Em không thể sống nổi, các anh chị ở lại, ráng chiến đấu trả thù cho đồng bào, đồng đội, trả thù cho em!”.

Những cái chết hóa thành bất tử như Đoàn Thị Liên, Võ Thị Rậm... đã viết nên bản anh hùng ca vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam. Trong suốt 10 năm hoạt động, TNXP GPMN đã đảm trách hầu hết các tuyến vận chuyển trọng điểm, đảm bảo cung cấp vũ khí, lương thực cho bộ đội và chuyển thương binh về tuyến sau. Tổng đội tham gia và phục vụ chiến đấu 18 chiến dịch, 641 trận đánh từ cấp tiểu đoàn đến sư đoàn; thồ tải hơn 20.100 tấn vũ khí, lương thực, thuốc chữa bệnh, dụng cụ y tế; chuyển hơn 11.600 thương binh về tuyến sau an toàn; xây dựng 8 bệnh viện tiền phương, làm 214km đường vận chuyển, bắc 21 cây cầu dây, cầu cây; đón tiếp nuôi dưỡng 3.500 cán bộ chiến sỹ do địch trao trả theo Hiệp định Paris.

Với những thành tích trên, TNXP GPMN đã được tặng thưởng 85 Huân chương, Huy chương cho tập thể, trong đó có Huân chương Thành Đồng hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất và Huân chương Giải phóng hạng nhất. Tổng đội cũng nhận được 563 huân chương, huy chương cho cá nhân, trong đó có một Huân chương Thành Đồng hạng Ba giành cho bà Đoàn Thị Liên.

Nguyễn Quang