Thất bại ở Việt Nam: Bài học không chỉ cho nước Mỹ
Đời sống - Ngày đăng : 09:42, 29/04/2016
Những con số biết nói
Cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam là thất bại nặng nề nhất của quân đội Mỹ từng phải gánh chịu. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam đã trải qua 5 đời Tổng thống Mỹ kéo dài 222 tháng và 4 lần thay đổi chiến lược chiến tranh song vẫn không cứu vãn được thất bại.
Tổng thống Mỹ David Dwight Eisenhower (1953-1961), với chiến lược “Aixenhao” (Chiến tranh đơn phương), đã dựng lên chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm lấy đó làm công cụ chống lại miền Nam Việt Nam, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự. Mỹ liên tiếp mở hàng loạt chiến dịch “tố cộng” để tàn sát những người kháng chiến và yêu nước ở miền Nam Việt Nam. Đến Tổng thống John Fitzgerald Kennedy, với chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), đã xây dựng quân đội ngụy Sài Gòn mạnh với vũ khí, trang bị và cố vấn Mỹ tiến hành “Bình định”, lập “ấp chiến lược” nhằm tiêu diệt các lực lượng vũ trang và chính trị của cách mạng miền Nam, thực hiện bình định Việt Nam trong 18 tháng.
Tổng thống Lyndon Baines John-son, với chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968). Mục tiêu của chiến lược này trực tiếp đưa quân chiến đấu từ Mỹ sang, thực hiện chiến lược “tìm và diệt”, tiếp đó là chiến lược hai gọng kìm “tiêu diệt chủ lực đối phương và bình định miền Nam”; đẩy mạnh chiến tranh phá hoại miền Bắc trên qui mô lớn, với chiến dịch “Sấm rền” cùng kế hoạch chiến lược được chia làm 3 giai đoạn hòng giành thắng lợi trong vòng 25 đến 30 tháng.
Tổng thống Mỹ Gerald Ford nghe cố vấn Nelson A. Rockefeller báo cáo về kế hoạch tháo chạy khỏi Sài Gòn
Tổng thống Richard Milhous Nixon, với chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1974), có mục tiêu: Rút quân nhưng để lại cố vấn chỉ huy, cung cấp vũ khí, trang bị, lương thực, tiền của cho ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn; mở chiến dịch “Lam Sơn 719” hòng ngăn chặn chi viện của hậu phương miền Bắc trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn; tiến hành đánh phá miền Bắc trên quy mô lớn bằng máy bay chiến lược B52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố khác, rải mìn phong tỏa các cảng, cửa sông Việt Nam.
Tổng thống tiếp theo Gerald Rudolph Ford vẫn tiếp tục theo đuổi chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” bằng việc yêu cầu Quốc hội thông qua khoản viện trợ quân sự cho chính quyền Sài Gòn để thực hiện lấn chiếm, “bình định” chống phá Hiệp định Paris và dùng lực lượng tấn công lớn trên chiến trường miền Nam. Tổng thống Ford là vị Tổng thống cuối cùng chịu sự thất bại trong chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”; buộc phải chấp nhận thất bại trước những đòn tiến công của quân và dân ta trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam, Mỹ đã phải 8 lần thay Đại sứ toàn quyền, 4 lần thay Tổng tư lệnh quân viễn chinh ở Việt Nam. Về lực lượng, Mỹ đã huy động 6,6 triệu lượt lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Quân Mỹ lúc cao nhất là 549.500 tên (4/1969) và 72.600 quân chư hầu, bao gồm: 70% lục quân (tất cả các đơn vị tinh nhuệ nhất), 60% không quân (45% máy bay B52 và các loại máy bay hiện đại nhất), 40% hải quân (trong đó có 15/18 tàu sân bay) và 22.000 xí nghiệp để phục vụ chiến tranh.
Từ tháng 1/1961 đến tháng 3/1973, Mỹ đã ném xuống Việt Nam 14,3 triệu tấn bom đạn, tương đương 725 quả
bom nguyên tử ném xuống Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai. Số bom napan (bom cháy) Mỹ sử dụng ở Việt Nam gấp 25 lần số bom Mỹ sử dụng trong chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ đã viện trợ cho quân ngụy Sài Gòn hơn 18 tỷ USD bao gồm: 1.800 máy bay, hơn 2.000 xe tăng, xe bọc thép, hơn 1.500 khẩu pháo, hơn 56.000 xe cơ giới, gần 2 triệu khẩu súng các loại, hơn 120.000 máy thông tin.
Tượng đài chiến tranh Việt Nam ở Washington, Mỹ
Kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu hơn 360.000 tên Mỹ và chư hầu, hơn 3 vạn máy bay các loại, gần 4 vạn xe tăng và xe bọc thép, hơn 7.000 tàu và xuồng chiến đấu. Có 12 tướng Mỹ chết trên chiến trường Việt Nam. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 máy bay, bắt sống hàng trăm giặc lái. Tổng chi phí cho chiến tranh xâm lược phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam là 676 tỉ USD và Mỹ đã bị nhân dân thế giới kịch liệt phản đối, trong đó có nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình: có 8 người Mỹ tự thiêu, 70 thanh niên đốt thẻ quân dịch, hơn 500 nghìn lính Mỹ đào ngũ, hàng trăm cuộc biểu tình ở khắp các thành phố ở Mỹ để phản đối chiến tranh Việt Nam.
Chân lý của dân tộc chiến thắng
Cả Pháp và Mỹ vẫn bàng hoàng về thảm bại cay đắng ở Việt Nam, họ tìm cách lý giải, biện minh về sự thật: Quân đội nhân dân Việt Nam trong gian khó đã cùng toàn dân liên tiếp đánh bại hai cường quốc có tiềm lực kinh tế, quân sự rất mạnh của thế giới với trang bị vũ khí, kỹ thuật hiện đại bậc nhất. Thật khó giải thích, khi tương quan lực lượng hai bên quá chênh lệch nhau về tiềm lực, sức mạnh vật chất; thế mà bên cho là yếu nhất lại là bên thắng.
Sách “Những bí mật của chiến tranh Việt Nam” của Trung tướng Phillip B. Davidson, Giám đốc cơ quan tình báo Mỹ tại miền Nam Việt Nam viết: “Chiến lược chiến tranh cách mạng là một điều bí mật của chiến tranh Việt Nam… đã chứng minh là một chiến lược hơn hẳn các chiến lược mà Mỹ đã dùng để chống lại nó. Ưu thế hơn hẳn của chiến lược chiến tranh cách mạng Việt Nam là nằm trong thế chiến lược chủ động. Mỹ luôn phải nhảy theo điệu nhạc chiến lược của Bắc Việt, vì chính cộng sản đã quyết định cách đánh và quy mô của chiến tranh… Đây là một chiến lược mạnh mà chưa có chiến lược nào chống lại nó mà thành công”.
Giáo sư, Tiến sĩ E. Tin-pho, học viện chỉ huy tham mưu không quân Mỹ đã phải thừa nhận: “Năm 1975, Mỹ đã để một nhà nước được Mỹ đẻ ra và nuôi dưỡng hơn hai thập kỷ sụp đổ, vì cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ đã thất bại từ lâu. Nó thất bại vì đối phương đã đề ra một chiến lược quân sự giỏi hơn, một chiến lược nhận thức chiến tranh ở phạm vi rộng lớn hơn, coi như là một hiện tượng văn hóa kết hợp chặt chẽ các mặt xã hội, kinh tế, chính trị, ngoại giao cũng như quân sự. Không lực - sức mạnh to lớn nhất của Mỹ bị “cơn gió ngang” văn hóa và lịch sử làm tê liệt”.
Tướng Maxwell D.Taylor, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, sau khi từ chức (tháng 6/1965) về làm cố vấn đặc biệt của Tổng thống Lyndon Baines John-son đã phải thốt lên rằng "Tất cả chúng ta đều có phần của mình trong thất bại của Mỹ ở Việt Nam và chẳng có gì là tốt đẹp cả. Chúng ta không hề có một anh hùng nào trong cuộc chiến tranh này mà toàn là ngu xuẩn. Chính tôi cũng nằm trong số đó".
Đánh giá về chiến thắng của Việt Nam, Giáo sư người Nhật Bản Shingo Sbata nêu rõ: "Một trong những sự kiện kinh ngạc nhất của thời đại chúng ta là nhân dân Việt Nam có thể chiến đấu nhiều năm trời chống lại sự xâm lược chủ nghĩa đế quốc lớn nhất và mạnh nhất trong lịch sử, đã chiến đấu cho đến thắng lợi trong cuộc chiến tranh hủy diệt lớn nhất và tệ hại nhất xưa nay chưa từng có".
Rõ ràng, thất bại của Mỹ ở Việt Nam đã chứng minh chân lý: Khi một dân tộc quyết tâm đoàn kết để bảo vệ độc lập, chủ quyền thì không một thế lực nào có thể khuất phục nổi.