Nhịp cầu Công lý

Vụ vi phạm quy định về cho vay tại Cần Thơ: Căn cứ nào để xác định thiệt hại?

K.Lâm 05/04/2024 20:58

Sau nhiều lần trả hồ sơ điều tra bổ sung, mới đây, VKSND TP Cần Thơ đã có Cáo trạng tiếp tục truy tố Lê Thanh Hải (nguyên Giám đốc Agribank Cần Thơ) và 5 bị can khác về tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” do cho rằng đã gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam. Tuy nhiên, Luật sư thì cho rằng việc xác định thiệt hại không đúng thời điểm xảy ra hành vi bị truy tố là trái với hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Bị hại không rõ thiệt hại do chưa phát mãi tài sản thế chấp

Theo Cáo trạng, cuối năm 2011, đầu năm 2012 Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân - Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) trụ sở tại TP Vị Thanh, Hậu Giang và các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải (Giám đốc), Trần Huy Liệu (Phó Giám đốc), Bùi Tuấn Anh (Trưởng phòng tín dụng) đã bàn bạc, thống nhất cho Công ty Tây Nam vay vốn theo chính sách hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản thủy sản (theo Quyết định số 63/2010 của Thủ tướng Chính phủ) trong khi Công ty Tây Nam không thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất.

c.jpg
Khu đất 12 Nguyễn Trãi, Cần Thơ được Hội đồng định giá xác định hơn 107 tỷ đồng trong khi Thanh tra Chính phủ lại xác định giá khởi điểm để đấu giá là 233 tỷ đồng.

Ngoài ra, các bị can còn thống nhất nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp cho khoản vay của Công ty Tây Nam, chấp nhận cho Nhân sử dụng tiền vay sai mục đích; Tại lần giải ngân thứ nhất không có tài sản bảo đảm thế chấp; các lần giải ngân không có hóa đơn chứng từ chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc cung cấp chứng từ khống nhưng vẫn được ký duyệt giải ngân.

Các bị can Hải, Liệu, Tuấn Anh không thực hiện kiểm tra nguồn vốn sau khi cho vay nhưng vẫn lập khống các biên bản kiểm tra sau khi cho vay để hợp thức hồ sơ vay vốn.

Ngoài Công ty Tây Nam thì các bị can còn thống nhất cho Nhân sử dụng các pháp nhân là Công ty Đồng Bằng Xanh, Công ty Nam Bộ Cửu Long và cá nhân Phan Duy Phương, Nguyễn Bửu Tâm lập khống hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để thế chấp vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại cho Agribank Việt Nam.

Cụ thể, theo Hợp đồng tín dụng năm 2012 thì Công ty Tây Nam nợ gốc và lãi (tính đến 16/6/2016) là hơn 371 tỷ đồng trong khi giá trị tài sản đảm bảo (trong đó có siêu thị Citimart tại 51 Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ) và giá trị tài sản hiện có chỉ là hơn 240 tỷ đồng (tức thiệt hại cho Agribank Cần Thơ gần 131 tỷ đồng).

Theo Hợp đồng tín dụng từ năm 2011 đến 2013 thì Công ty Đồng Bằng Xanh nợ gốc và lãi (tính đến 16/6/2016) là gần 171 tỷ đồng khi giá trị tài sản bảo đảm (trong đó có nhà đất tại 12 Nguyễn Trái, Cần Thơ) chỉ hơn 109 tỷ đồng (tức gây thiệt hại gần 62 tỷ đồng).

Theo Hợp đồng tín dụng năm 2013, Công ty Nam Bộ Cửu Long nợ gốc và lãi là hơn 100,3 tỷ đồng trong khi tài sản thế chấp có giá trị 26,6 tỷ đồng (tức gây thiệt hại 73,7 tỷ đồng)…

Nhưng đánh giá về các khoản tiền bị coi là thiệt hại trên, trong quá trình điều tra, Agribank Cần Thơ đã có nhiều văn bản cho biết “thiệt hại như thế nào, thiệt hại bao nhiêu và có thu hồi đủ nợ hay không còn phụ thuộc vào tình hình thị trường và thời gian bán tài sản”; “Tài sản thế chấp đã được ký kết giao dịch bảo đảm cũng như tài sản hình thành từ vốn vay đều thuộc quyền xử lý của ngân hàng theo hợp đồng tín dụng. Nhưng hiện tại, Agribank chưa xử lý nên chưa thể xác định được giá trị thực tế làm căn cứ tính thiệt hại cho ngân hàng. Theo giá thị trường hiện nay, tài sản chấp và tài sản hình thành từ vốn vay khi phát mãi có khả năng thu hồi được nợ vay, nếu xử lý tài sản sớm”.

Tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 8/2022, Agribank tiếp tục khẳng định quan điểm rằng, chưa xác định được thiệt hại vì chưa xử lý tài sản đảm bảo; đề nghị được giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng bằng vụ án dân sự, có tính lãi để đảm bảo quyền lợi cho ngân hàng.

Xác định thiệt hại ở thời điểm nào?

Đồng quan điểm với Agribank, các luật sư bào chữa cũng cho rằng, thời điểm khởi tố vụ án thì các khoản vay đang được khởi kiện dân sự và ngân hàng chưa xác định được thiệt hại…

Cho rằng kết luận định giá tài sản thấp hơn nhiều so với thị trường, các luật sư dẫn chứng về giá đất thực tế tại khu vực có nhà đất thế chấp như: Hợp đồng chuyển nhượng đất tại 30 Nguyễn Trãi (TP Cần Thơ) diện tích hơn 126m2 giá hơn 14,5 tỷ đồng; tại số 32 Nguyễn Trãi diện tích 113m2 giá gần 13 tỷ đồng (tức là giá đất tính theo m2 đều cao hơn nhiều lần so với kết luận của Hội đồng định giá).

Đặc biệt, đối với giá đất tại 12 Nguyễn Trãi, các luật sư đã dẫn Kết luận thanh tra số 987/KL-TTCP ngày 22/6/2018 (thanh tra việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác của UBND TP Cần Thơ) xác định, vào thời điểm tháng 9/2012, giá trị thực tế, giá khởi điểm của khu đất là hơn 233 tỷ đồng (do có hệ số biến động giá đất so với năm 2010 là 2,26 lần).

Theo Luật sư, việc ngày 20/3/2013, các bị can lập biên bản xác định giá trị tài sản số 12 Nguyễn Trãi có giá trị hơn 231,7 tỷ đồng là có căn cứ, phù hợp với cách tính của Thanh tra Chính phủ sau này chứ không có dấu hiệu “nâng khống”.

Trong khi đó, Hội đồng định giá trong tố tụng lại xác định giá trị khu đất trên vào tháng 3/2013 (thời điểm thế chấp) chỉ là hơn 104,4 tỷ đồng và thời điểm tháng 12/2016 là hơn 107,6 tỷ đồng (tức là chưa bằng ½ giá trị do Thanh tra Chính phủ xác định).

Ngoài việc dẫn các tài liệu thể hiện dấu hiệu định giá không sát giá thị trường, các luật sư còn cho rằng, Cơ quan điều tra (CQĐT) và Viện kiểm sát (VKS) đang áp dụng không đúng quy định của pháp luật trong việc xác định thiệt hại của vụ án.

Trao đổi với PV, Luật sư Hà Huy Sơn (Đoàn Luật sư Tp Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 10, Nghị quyết số 03/2020/HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được thực hiện; đối với tội phạm liên tục, kéo dài thì thiệt hại được xác định tại thời điểm tội phạm được phát hiện ngăn chặn hoặc tội phạm kết thúc. Trường hợp thiệt hại xảy ra hoặc kéo dài sau khi tội phạm được thực hiện hoặc sau khi tội phạm đã kết thúc thì thiệt hại được xác định tại thời điểm thiệt hại được ngăn chặn. Trường hợp không thể xác định được theo hướng dẫn trên thì thiệt hại được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án.

Vì vậy, trong vụ án này, CQĐT và VKS coi các bị cáo đã có sai phạm trong việc lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ vay vốn, giải ngân, sử dụng tiền vay và kiểm soát sau vay thì phải xác định thiệt hại tại thời điểm tương ứng. Nếu không xác định được thì phải xác định thiệt hại tại thời điểm ngày 24/12/2015- ngày có Quyết định khởi tố vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án này, CQĐT và VKS đã cáo buộc các bị cáo phải chịu thiệt hại ở cả những khoản tiền lãi tính đến ngày 16/6/2016 là không đúng với quy định tại Nghị quyết số 03 nêu trên. Việc này còn mâu thuẫn ở chỗ, nếu đã tính lãi vay thì phải coi đây là quan hệ dân sự chứ không thể hình sự hóa quan hệ vay- mượn tiền này.

Ngoài ra, việc định giá tài sản thế chấp để xác định thiệt hại của vụ án cũng ở thời điểm khá xa so với thời điểm ký hợp đồng thế chấp. Đơn cử, nhà đất ở 51 Nguyễn Trãi (Siêu thị Citimart) được thế chấp vào tháng 2/2012 nhưng giá trị tài sản để tính thiệt hại lại được xác định vào tháng 12/2016; Nhà đất tại 12 Nguyễn Trãi được thế chấp vào tháng 3/2013 thì lại được định giá theo thời điểm tháng 12/2016. Ngoài nhà đất nêu trên thì một loạt tài sản hoặc nhà đất khác đều được định giá sau thời điểm thế chấp 4-5 năm. Thâm chí, vụ án được khởi tố vào tháng 12/2015 nhưng có những tài sản lại được định giá theo thời điểm cuối năm 2018.

LS Sơn cho rằng, việc tính lãi và việc định giá tài sản cách thời điểm thế chấp, thời điểm khởi tố vụ án hàng năm như trên là không đủ căn cứ để xác định trách nhiệm của các bị can theo Nghị quyết số 03 của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

Liên quan đến việc xác định trách của bị can, Luật sư Sơn còn cho rằng, hành vi của các bị can xảy ra trước thời điểm Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) nhưng hiện nay đang bị truy tố, xét xử nên cần được áp dụng các nội dung có lợi cho họ.Cụ thể, nếu những hành vi nào quy định tại Điều 179 BLHS 1999 (tội “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” ) không còn được quy định tại BLHS mới thì không được làm căn cứ để truy tố, xét xử.

Dẫn quy định tại Điều 206 BLHS 2015 (sửa đổi 2017), LS Sơn cho biết, điều luật đã liệt kê cụ thể, rõ ràng 10 loại hành vi bị coi là “Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”. Tuy nhiên, Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ vẫn xác định nhiều hành vi không có trong 10 loại hành vi trên để truy tố bị can như: hành vi lập hồ sơ, thẩm định vay vốn hỗ trợ lãi xuất; hành vi giải ngân, sử dụng tiền vay và kiểm soát sau vay…

Vì vậy, để đảm bảo nguyên tắc có lợi cho bi can, tránh oan sai thì CQĐT, VKS phải loại bỏ những hành vi của bị can mà Điều 206 BLHS 2015 (sửa đổi 2017) không liệt kê, không coi là tội phạm nữa.

K.Lâm