Nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, việc tổ chức, sử dụng pháo binh được nâng lên thành nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược.
Thắng lợi vĩ đại của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta, trong đó không thể không kể đến nghệ thuật sử dụng pháo binh.
Trong Chiến dịch này, việc tổ chức, sử dụng pháo binh đã phát triển toàn diện, từ tạo lập, chuyển hóa thế trận, phân chia sử dụng lực lượng, đến tổ chức hỏa lực... nhiều nội dung được nâng lên thành nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu của một chiến dịch mang ý nghĩa chiến lược.
Lực lượng pháo binh hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trong chiến dịch
Lực lượng pháo binh tham gia chiến dịch với tổng số lực lượng pháo, cối (kể cả pháo, cối của các đại đoàn bộ binh) gồm: 1 trung đoàn lựu pháo 105mm có 2 tiểu đoàn với tổng số 24 khẩu; 1 trung đoàn sơn pháo, cối gồm 5 tiểu đoàn và 10 đại đội 94 khẩu (trong đó có 16 khẩu cối 120mm, 30 khẩu sơn pháo 75mm và ĐKZ, 12 dàn phản lực cỡ 102mm, 36 khẩu cối 82mm); súng cối của các đại đoàn bộ binh là 140 khẩu.
Tổng cộng là 261 khẩu pháo, cối các loại (trong đó có 3 khẩu cối 120mm đoạt được của địch ở đồi Độc Lập.
Trong suốt 56 ngày đêm chiến đấu, lực lượng pháo binh của quân đội ta chính là hỏa lực mặt đất chủ yếu chế áp, tiêu diệt các trận địa pháo binh địch, khống chế sân bay, phá hoại sở chỉ huy, kho tàng, triệt đường tiếp tế của địch và chi viện có hiệu quả cho bộ binh thắt chặt vòng vây, tiêu diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trong đợt 1 của chiến dịch (từ ngày 13-17/3/1954), nhiệm vụ của lực lượng pháo binh là tiến công tiêu diệt căn cứ Him Lam, trận đánh lớn then chốt mở đầu chiến dịch và toàn bộ phân khu phía bắc của địch.
Ngày 13/3/1954, pháo binh ta đồng loạt khai hỏa, dồn dập bắn vào cứ điểm Him Lam.
Trong trận mở đầu, 240 khẩu pháo của ta bắn liên tiếp trong vòng 1 giờ.
Sau 15 phút khai hỏa, hỏa lực của ta đã gần như áp đảo, gây cho địch tổn thất nặng nề, tạo điều kiện cho bộ binh ta xung phong tiến công đánh chiếm cụm cứ điểm Him Lam.
Thực tế những gì diễn ra trên chiến trường đã trở thành nỗi kinh hoàng với quân địch.
Viên chỉ huy pháo binh của Pháp ở Điện Biên Phủ là Trung tá Pirot - người từng ngạo mạn tuyên bố sẽ làm cho pháo binh Việt Minh "câm họng" - đã phải tự sát ngay sau trận mở màn với lời trăng trối cuối cùng “Không có cách nào làm im lặng những khẩu pháo của Việt Minh.”
Trong đợt 2 của chiến dịch (từ ngày 30/3-30/4/l954), nhiệm vụ của pháo binh là yểm hộ cho bộ binh tấn công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, kiểm soát sân bay Mường Thanh, cắt đứt đường tiếp viện của địch.
Để chuẩn bị cho đợt 2 của chiến dịch, pháo binh tiến hành điều chỉnh đội hình bố trí và lập một số đơn vị mới; đưa một số đại đội lựu pháo áp sát khu trung tâm Mường Thanh để có thể bắn sâu được các mục tiêu trong trung tâm Mường Thanh.
Đúng 17 giờ ngày 30/3/1954, pháo binh ta bắt đầu hỏa lực, yểm hộ cho các đơn vị bộ binh cùng tiến đánh các cứ điểm A, C, D, E mở đầu đợt 2 của chiến dịch.
Ngay từ đầu ta đã tập trung hỏa lực của 3 đại đội lựu pháo đánh một đòn tập kích hỏa lực mãnh liệt vào 2 trận địa pháo nguy hại nhất của địch ở điểm cao 203 và 210...
Cả 2 trận địa pháo binh địch đã bị tê liệt suốt đêm 30/3, đến hết ngày 1/4 không hoạt động được nữa.
Sau đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh xung phong vào từng điểm cao, ta đã chuyển hỏa lực pháo binh chiến dịch kết hợp với pháo của trung đoàn bộ binh tiến công trên từng điểm cao, bắn phá hoại từng cứ điểm địch.
Nhiệm vụ chi viện tốt cho bộ binh đột phá tiền duyên và đánh chiếm từng điểm cao A, C, D, E giành thắng lợi.
Đợt 3 của chiến dịch diễn ra từ ngày 1-7/5/1954 với nhiệm vụ đánh chiếm điểm cao cuối cùng ở phía đông, thu hẹp phạm vi đóng quân, uy hiếp mạnh trung tâm phòng ngự của địch, nắm vững thời cơ, tiến hành tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.
Để đảm bảo thuận lợi cho bộ binh tiến công vào các cứ điểm còn lại ở phía đông và phía tây tập đoàn cứ điểm trước ngày 1/5, pháo binh đã tổ chức bắn phá hoại trước một phần công sự, lô cốt, hỏa điểm quan trọng của địch trên từng cứ điểm bộ binh sẽ tiến công, tiến hành pháo hỏa chuẩn bị thời gian ngắn 15 phút trước khi bộ binh xung phong.
Từ ngày 1-7/5 pháo binh đã chi viện cho bộ binh tiêu diệt tương đối nhanh các cứ điểm C1, 505A, 505, 311A và 311B ở phân khu trung tâm và khu C trong Phân khu Nam Hồng Cúm của địch.
Trong đêm 6/5, pháo binh lại tiếp tục chi viện cho bộ binh đánh chiếm các cứ điểm C2, 506, 507, 310 và A1.
Ngày 7/5, địch đã tổ chức một số lần phản kích lên A1 nhưng đều bị pháo binh ta bắn trúng, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ binh tiêu diệt 2 cứ điểm quan trọng cuối cùng của địch là đồi A1 và C2.
Một bộ phận pháo binh chiến dịch đã dùng hỏa lực tham gia truy kích quân địch rút về trung tâm Mường Thanh cho tới khi quân địch đầu hàng vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954.
Nghệ thuật sử dụng pháo binh của quân đội ta
Có thể thấy lực lượng pháo binh đã góp phần quan trọng trong chiến thắng Điện Biên Phủ. Qua đó cho thấy nghệ thuật sử dụng pháo binh một cách tài tình và đầy sáng tạo của quân đội ta.
Nghệ thuật ấy được biểu hiện tập trung ở các điểm chính sau:
- Tập trung ưu thế lực lượng pháo binh
Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên được sử dụng pháo xe kéo tập trung lớn nhất của ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ngay từ đầu ta đã tập trung tới 229 khẩu pháo các loại, đến cuối chiến dịch đã lên tới 261 khẩu gồm lựu pháo 105mm, cối 120mm, sơn pháo 75mm, pháo phản lực cỡ 102mm 6 nòng, ĐKZ 75mm và cối 81mm, 82mm. Đã tập trung 100% lựu pháo, hơn 70% sơn pháo 75mm và tới 80% cối 120mm.
Đồng thời ta đã đưa vào sử dụng những loại pháo mới có tầm bắn xa, uy lực lớn như hỏa tiễn H6.
Trong cả chiến dịch cũng như trong từng trận đánh ta đã tập trung tạo uy thế về hỏa lực pháo binh hơn hẳn pháo binh địch.
Tỷ lệ pháo binh trong trận Him Lam: địch 1, ta 3; trận đồi Độc Lập: địch 1, ta 4,5.
Trong trận then chốt mở đầu chiến dịch (trận Him Lam) so sánh pháo, cối trực tiếp chi viện đánh vào mục tiêu ta hơn địch 10 lần.
Nếu tính cả nhiệm vụ chế áp các mục tiêu khác, ta cũng gấp 2,6 lần (trận Mường Thanh ta đã tập trung tới 200 khẩu khi tiến hành hỏa lực pháo bắn chuẩn bị).
Nhờ đó, trong quá trình diễn ra các trận đánh, pháo binh đã chi viện cho bộ binh thực hiện đánh nhanh, diệt gọn, làm giảm thương vong do pháo địch gây ra.
Trong suốt chiến dịch và trong từng trận đánh, chúng ta đã tập trung pháo binh tạo nên ưu thế lớn về lực lượng, chi viện cho bộ binh đánh chắc thắng, tiêu diệt từng cứ điểm từ ngoài vào trong, tiến tới tiêu diệt toàn bộ cứ điểm.
- Bố trí đội hình hiểm hóc, vững chắc, hình thành thế bao vây quân địch trong suốt chiến dịch
Thành công nổi bật về nghệ thuật bố trí đội hình chiến đấu pháo binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là các trận địa tuy phân tán, giãn rộng, khoảng cách giữa các đại đội khoảng từ 3-5km, nhưng vẫn tập trung được hỏa lực vào hướng chủ yếu, mục tiêu chủ yếu ở mức cao.
Trong quá trình tổ chức, bố trí trận địa ta đã kiên quyết khắc phục khó khăn, vượt mọi trở ngại, kéo những khẩu trọng pháo nặng hàng tấn lên bố trí trên các sườn núi cao bao quanh tập đoàn cứ điểm: “Trung đoàn pháo lựu 105mm bố trí từ đông bắc Hồng Cúm đến tây bắc Bản Kéo, đã tạo thành một vòng cung hơn 30km.”
Nhờ đó ta có thể tập trung được hỏa lực vào phần lớn các mục tiêu trong các trận đánh then chốt quyết định ở khu trung tâm của tập đoàn cứ điểm, bảo đảm bắn được hầu hết các mục tiêu ở cự ly bắn có lợi nhất (từ 5-7km).
Việc hỏa lực pháo binh của ta xuất hiện từ các dãy núi cao xung quanh tập đoàn cứ điểm là đòn bất ngờ nhất đối với địch. Đây cũng là nét độc đáo trong nghệ thuật tổ chức, sử dụng pháo binh của quân đội ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cùng với trọng pháo, các đơn vị súng cối cũng được bố trí tập trung ở hướng đông và đông bắc Điện Biên Phủ, cự ly bắn của súng cối từ 600-800m.
Trận địa sơn pháo thọc sâu bố trí trên đồi E, cự ly bắn từ 300-500m tạo nên thế rất hiểm đối với địch, chúng tập trung mọi cố gắng mà không diệt được trận địa pháo lợi hại này.
Việc bố trí trận địa pháo binh phân tán, hiểm hóc, vững chắc đã tạo ra một thế trận pháo binh vững mạnh và ổn định, góp phần chi viện hiệu quả cho các đại đoàn bộ binh.
- Vận dụng cách đánh linh hoạt, sáng tạo, phát huy sức mạnh của mỗi loại pháo
Khác với các chiến dịch trước, Điện Biên Phủ là chiến dịch đầu tiên ta vận dụng cách đánh bao vây tiến công trận địa.
Quán triệt phương châm "đánh chắc, tiến chắc," pháo binh đã vận dụng linh hoạt các cách đánh: đánh gần kết hợp với đánh xa, đánh bất ngờ, đánh liên tục, dồn dập, kéo dài, gây cho địch nhiều tổn thất về vật chất và căng thẳng về tinh thần.
Cùng với đó, nghệ thuật ngụy trang, nghi binh cũng được sử dụng triệt để, chính vì vậy, mà quân địch hoàn toàn bất lực trong việc phản pháo.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Phong, Tư lệnh Binh chủng Pháo binh cho biết pháo binh của ta ngụy trang, nghi binh rất khéo, những trận địa giả được dựng nên, khi pháo ta bắn, các trận địa giả cũng tiến hành đánh thuốc nổ, tạo chớp lửa đầu nòng, khiến cho pháo binh Pháp không thể tìm ra được trận địa pháo của ta. Đó là một minh chứng cho thấy tinh thần dũng cảm, sáng tạo của bộ đội pháo binh Việt Nam.
Bên cạnh đó, với cách đánh linh hoạt, sáng tạo, chúng ta đã khai thác và phát huy được mọi tính năng, tác dụng của các loại pháo, cối và sớm hình thành hai lối đánh: hiệp đồng, độc lập, góp phần đánh tiêu diệt lớn quân địch trong chiến dịch.
Cụ thể, trong đợt tổ chức pháo bắn chuẩn bị để mở đầu chiến dịch, pháo binh ta đã thực hành pháo bắn chuẩn bị kéo dài 1 giờ với trên 240 khẩu pháo, cối các loại.
Trong quá trình vây lấn tiến tới tiêu diệt cứ điểm của địch, bộ binh thường dựa vào giao thông hào vây lấn dũi sát giao thông hào địch.
Để chi viện cho bộ binh, chúng ta đã dùng trên nhiều hướng, sơn pháo và cối 82mm đi cùng trực tiếp chi viện khi vây lấn và khi thời cơ đến dùng thêm lựu pháo trực tiếp bắn phá hoại.
Trong các trận đánh phản kích lớn của địch, hỏa lực pháo binh ta đã chi viện kịp thời cho bộ binh đánh bại các trận phản kích của địch.
Quá trình đánh phản kích ta đã biết kết hợp chặt chẽ giữa hỏa lực của pháo binh và hỏa lực của súng bộ binh.
Ta đã sử dụng pháo binh tập trung với hỏa lực mạnh, mật độ đạn lớn, thời gian ngắn, vì vậy mà đã nhanh chóng sát thương lớn quân địch.
Đánh khống chế sân bay, pháo binh ta đã phối hợp chặt chẽ với pháo cao xạ triệt nguồn tiếp tế đường không, đây là đòn đánh hiểm, đẩy địch vào thế ngày càng nguy khốn...
Kết thúc chiến dịch, lực lượng pháo binh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tác chiến mà Bộ Chỉ huy chiến dịch giao, đánh dấu một bước phát triển tương đối hoàn chỉnh về nghệ thuật sử dụng pháo binh trong chiến dịch của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời mở ra những vấn đề lớn đầu tiên trong xây dựng, biên soạn hệ thống lý luận về nghệ thuật quân sự sử dụng pháo binh Việt Nam./.