Khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
Là một trong những quốc gia chịu hậu quả nặng nề của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong nhiều năm qua Việt Nam luôn nỗ lực thực hiện các chiến dịch thu gom, rà phá bom mìn nhằm giải phóng đất đai, phục vụ an sinh cho nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội.
Trong những năm qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hỗ trợ triển khai hiệu quả mô hình chăm sóc, hỗ trợ sinh kế, tạo việc làm vay vốn tín dụng để sản xuất kinh doanh cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật trên địa bàn 10 tỉnh/thành phố: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long.
Cục Bảo trợ xã hội đã xây dựng triển khai phần mềm đăng ký và xác định mức độ khuyết tật cho người khuyết tật, nạn nhân bom mìn tại một số địa phương. Chỉ tính riêng tại 2 tỉnh Quảng Bình, Bình Định nạn nhân bom mìn được quản lý trên hệ thống phần mềm là hơn 90.000 người.
Năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các cơ quan truyền thông xây dựng Kế hoạch tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn về các chính sách, chương trình trợ giúp người khuyết tật.
Phối hợp với đơn vị liên quan và các tổ chức Lễ kỷ niệm ngày người khuyết tật Việt Nam; Phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức Chương trình tỏa sáng nghị lực Việt tuyên dương những tấm gương khuyết tật nghị lực vượt khó và hội thảo thực trạng và giải pháp hỗ trợ thanh niên khuyết tật trong đó có nạn nhân bom mìn.
Cùng đó, năm 2023, Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia (VNMAC) đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn 04/4/2023, tuyên truyền về thực trạng và hậu quả nhằm giáo dục ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại Sơn La và Đồng Tháp đạt hiệu quả tốt; Phối hợp với Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam tổ chức trợ giúp sinh kế cho 113 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống.
Cũng trong năm 2023, bộ đội Công binh đã xây dựng kế hoạch rà phá bom mìn 1.500 ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn nặng trên địa bàn 2 huyện Vị Xuyên và Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Đến nay, đã triển khai làm sạch được 1.232 ha (đạt 80% kế hoạch) bàn giao cho nhân dân lao động sản xuất và quy tập được 6 hài cốt liệt sỹ.
Năm 2024, kế hoạch thực hiện khắc phục hậu quả bom mìn tập trung vào các nhiệm vụ: Thu thập dữ liệu chuẩn bị báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 - 2025 đề xuất Chương trình giai đoạn 2025 - 2045 định hướng đến 2050. Triển khai kế hoạch xây dựng Pháp lệnh khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Hoàn chỉnh Bộ Tiêu chuẩn quốc gia khắc phục bom mìn sau chiến tranh trình Bộ Khoa học Công nghệ thẩm định và ban hành (trước 12/2024).
Đồng thời mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng; đẩy mạnh vận động tài trợ quốc tế, củng cố và thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực; thúc đẩy các bên triển khai bản ghi nhớ đã ký kết trong lĩnh vực khắc phục hậu quả bom mìn. Triển khai dự án “Hành động bom mìn vì làng Hòa bình Việt Nam - Hàn Quốc” giai đoạn 2022 - 2026 trên địa bàn 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Bình Định). Tổ chức truyền thông, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân tại hai tỉnh Bình Phước và Cao Bằng.
Thực hiện Quy chế quản lý thông tin bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định. Báo cáo dữ liệu quốc gia, cung cấp dữ liệu thông tin bom mìn theo quy định. Xây dựng đội quản lý chất lượng và triển khai thực hiện công tác quản lý chất lượng các dự án điều tra, khảo sát, rà phá bom mìn theo thẩm quyền...