Những chiến công góp phần làm nên kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển
Đời sống - Ngày đăng : 06:00, 28/04/2016
Một trong những chiến công ấy là những cụm bến làm nhiệm vụ cất giữ và trung chuyển vũ khí ra các chiến trường Nam Bộ của đường Hồ Chí Minh trên biển, chi viện vũ khí kịp thời cho chiến trường Nam bộ, góp phần không nhỏ làm nên thắng lợi vào ngày 30/4/1975.
Những bến cảng làm nên huyền thoại
Trước yêu cầu của cách mạng miền Nam, Trung ương quyết định vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển. Đường Hồ Chí Minh trên biển hình thành, nhưng lúc đó chưa có quyết định thành lập ngay các bến để tiếp nhận vũ khí. Trước đó, Trung ương đưa ra hai phương án: Thứ nhất, đưa hàng hóa lên các đảo trong vịnh Thái Lan, sau đó dùng các thuyền nhỏ lấy hàng vào đất liền. Phương án hai là thả và neo hàng ở những vùng biển cạn rồi đưa tàu trục vớt vào bờ. Qua trinh sát, Trung ương thấy nếu thực hiện một trong hai phương án trên, công tác tổ chức sẽ rất phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn lớn, dễ bị thất thoát hàng hóa và cũng rất dễ bị lộ cả tuyến đường. Vì vậy, phương án mở các bến ven bờ đã được thực hiện. Trên cơ sở đó, từ năm 1962 các cụm bến tiếp nhận vũ khí nhanh chóng được hình thành. Các vàm sông thuộc các tỉnh Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre, Bà Rịa – Vũng Tàu đã được chọn là nơi để đón các chuyến tàu từ miền Bắc vào. Đây là các cửa sông có thể đón nhận được những tàu có tải trọng trên 30 tấn. Phía địch ở đây chỉ có thuyền hoạt động gần bờ, thỉnh thoảng mới có các tàu tuần dương xuất hiện. Điều đặc biệt là các bến này nằm ẩn mình giữa những cánh rừng ngập mặncủa vùng sông nước, được thiên nhiên “che giấu”. Ở một số địa bàn, nhiều cây bần, cây mắm mọc sát mép nước, cao từ 20 - 30 mét với cành lá rậm rạp, xen vào những vạt rừng là các rạch nước sâu thông nhau chằng chịt và đổ ra biển, tạo thành nhiều ốc đảo nhỏ. Chính vì có địa hình phức tạp như vậy mà địch rất khó phát hiện ra các kho tàng cất giấu vũ khí của ta.
Một bến thuyền cất giữ vũ khí ở Bà Rịa-Vũng Tàu năm xưa
Không chỉ có đặc điểm là nằm sâu trong rừng, các bến cảng này còn được các chiến sĩ gọi là “Bến cảng trong lòng dân”. Sở dĩ gọi như vậy là vì từ lúc được hình thành cho đến lúc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, các bến cảng luôn được người dân sống ven rừng đùm bọc, cưu mang. Để bảo vệ cho các bến cảng, người dân dù bị địch bắt bớ, tra tấn cũng không hề để lộ các bến cảng, kho tàng của cách mạng. Nhờ vậy, suốt 13 năm tồn tại, các bến cảng cũng như các kho tàng cất giữ vũ khí của ta không bị địch phát hiện. Đây là một trong những yếu tố quyết định cho các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ, tổ chức xây dựng thành công những bến cảng không có tiền lệ trong lịch sử.
Hoàn thành sứ mệnh lịch sử
Khi mà vũ khí vận chuyển từ đường Trường Sơn chưa vươn tới được mặt trận miền Tây Nam bộ do cách trở sông nước, cũng như vũ khí được vận chuyển từ đường Trường Sơn cho các chiến trường khác của miền Nam vẫn còn hạn chế, việc thành lập các bến cảng tiếp vận vũ khí đã kịp thời bổ sung vũ khí, khí tài cho giải phóng miền Nam. Từ lúc mở bến cho đến khi kết thúc vào năm 1975, các cụm bến đã đón 124 tàu từ miền Bắc vào, bốc dỡ, cất giữ, vận chuyển ra các chiến trường trên 6.545 tấn vũ khí và hàng quân sự; trong đó trực tiếp chuyển từ miền Bắc về Quân khu 9 khoảng 750 tấn hàng, vũ khí, kịp thời trang bị tăng cường cho Quân khu 9 chiến đấu trong những năm 1971 – 1975. Riêng việc chuyển vũ khí cho Quân khu 7 và mặt trận Nam Sài Gòn - con đường đầy nguy hiểm và thách thức, nhưng các chiến sĩ Trung đoàn 962 vẫn chuyển được 1.400 tấn vũ khí, gần bằng 1/4 số lượng các con tàu không số chuyển vào các bến của Trung đoàn 962. Nhờ được chi viện vũ khí kịp thời mà nhiều trận đánh của quân và dân ta đã chiến thắng vang dội.
Tàu vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền Nam
Mặc dù không phát hiện ra con đường vận chuyển vũ khí trên biển và sự tồn tại của các bến bãi kho tàng cất giữ vũ khí của ta, nhưng nhận thấy trên chiến trường Nam bộ có nhiều vũ khí lạ nên địch bắt đầu nghi ngờ. Từ năm 1964 trở đi, địch liên tục mở các cuộc đánh lớn vào các địa bàn có bến bãi và kho tàng cất vũ khí. Riêng ở bến Bến Tre, từ năm 1966 - 1967 địch đã 5 lần tổ chức các cuộc đánh lớn, trong đó có trận đánh càn mang tên “Phượng Hoàng lửa bủa lưới phóng lao” vào ngày 14/2/1966. Với trận càn này địch dự định sẽ đánh ta trong 7 ngày với lực lượng gồm 4 chiến đoàn thủy quân lục chiến khoảng 6.000 tên, 6 đại đội bảo an và nhiều máy bay, pháo các loại. Trước tình hình đó, ta đã tiến hành triển khai chiến đấu nhằm bẻ gãy cuộc càn quét của địch để bảo vệ cho được kho tàng cất giữ vũ khí ở nơi đây. Ngay từ trận đánh đầu tiên, lực lượng ta đã bẻ gãy được từng đợt xung kích của địch. Do ngày đầu bị tổn thất nặng nề (địch chết và bị thương trên 600 tên, 47 máy bay bị bắn rơi…) nên địch đã thừa nhận thất bại và kết thúc trận càn vào ngày hôm sau. Về phía ta, để hoàn thành nhiệm vụ giữ bến, 45 chiến sĩ đã ngã xuống.
Để vận chuyển vũ khí ra các chiến trường Nam bộ từ các kho tàng của các bến, Trung đoàn 962 đã hình thành các đội thuyền làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí ra các chiến trường bằng đường thủy. Đây là công việc vô cùng nguy hiểm mà các chiến sĩ trong đội thuyền vận tải phải đối mặt. Trên toàn tuyến vận chuyển từ Cà Mau - Trà Vinh - Bến Tre - Đồng Tranh (Cần Giờ) - Thị Vải (huyện Tân Thành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) các đơn vị vận tải của các bến đều hoạt động trong vùng có nhiều tàu chiến, máy bay địch tuần tiễu, do thám rất nghiêm ngặt. Không ít lần các đội thuyền của ta đã phải chiến đấu trực tiếp với địch, và để đảm bảo bí mật về con đường vận chuyển vũ khí của ta, nhiều chiến sĩ trên các đội thuyền sẵn sàng phá hủy thuyền và chịu hy sinh.
Vào năm 1966 trong một lần đưa vũ khí, hàng quân sự từ Trà Vinh qua Bến Tre để từ Bến Tre cung cấp ra các chiến trường, khi gần đến Bến A101 – bến Bến Tre, đội thuyền của ta đã gặp một tàu hải quân vùng 4 chiến thuật. Địch phát hiện truy đuổi, cắt ngang đội hình của ta. Một thuyền của ta đã không thoát được với trận chiến đấu không cân sức. Để không rơi vào tay địch, các chiến sĩ đã chấp nhận phá hủy thuyền. Chín đồng chí cùng chiến thuyền đã vĩnh viễn nằm lại trên vùng sông nước mênh mông của tuyến đường vận chuyển
Để đưa được 6.545 tấn vũ khí đến các mặt trận phía Nam, 654 chiến sĩ thuộc Trung đoàn 962 ở các bến cảng đã hy sinh. Với 13 năm làm nhiệm vụ vận tải chiến lược trong hệ thống đường Hồ Chí Minh trên biển, các cụm bến thuộc Đoàn 962 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ: Tham gia mở đường; lao động, sáng tạo trong việc mở bến; dũng cảm, mưu trí trong chiến đấu bảo vệ Bến để tiếp nhận sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc về vũ khí trang bị và đảm bảo đưa ra chiến trường, kịp thời phục vụ cho quân dân miền Nam chiến đấu chống Mỹ, góp phần làm nên thắng lợi 30/4/1975.