Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa có nguyên nhân chính thức

Đời sống - Ngày đăng : 19:41, 27/04/2016

Cuộc họp báo diễn ra khoảng 20 phút từ 20h ngày 27/4, nguyên nhân gây ra cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

20h buổi họp báo chính thức bắt đầu. Chủ trì buổi họp báo là ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, mấy ngày qua, hiện tượng cá chết hàng loạt trên diện rộng của 4 tỉnh miền Trung, khiến dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm, có khả năng gây nên những yếu tố an ninh trật tự và nhân dân rất lo lắng, hoang mang trong sản xuất và đời sống của mình.

"Thực hiện chỉ đạo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ đã tiến hành cuộc họp đánh giá nguyên nhân và tìm ra giải pháp. Trước đó Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đã có nhiều đoàn khảo sát tìm hiểu tại 4 tỉnh. Việc này đòi hỏi thời gian mới tìm ra nguyên nhân. Đây là vấn đề nóng, càng đòi hỏi cơ quan quản lý vào cuộc sớm. Tuy nhiên cần phải tiến hành bài bản để các nhà khoa học, phòng thí nghiệm xác định rõ bản chất vấn đề”, ông Nhân nói.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa có nguyên nhân chính thức

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân thông tin về kết quả buổi họp chiều nay

Tại cuộc họp báo, ông Nhân thông báo về kết quả cuộc họp chiều nay của các Bộ có liên quan, theo đó, các nhà khoa học và cơ quan quản lý thống nhất nhận định sơ bộ như sau:

Có 2 nhóm nguyên nhân chính có thể gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt, đó là:

- Thứ nhất do tác động của độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển.

- Thứ hai do hiện tượng dị thường tự nhiên kết hợp với tác động của con người tạo nên hiện tượng tảo nở hoa của nước mà trên thế giới gọi là thủy triều đỏ.

Đến thời điểm hiện tại, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối quan hệ liên quan của Formosa và các nhà máy đến vấn đề cá chết hàng loạt.

Các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan thông qua số liệu quan trắc môi trường nước biển chưa phát hiện các thông số môi trường vượt quy chuẩn quy định.

Trong thời gian sớm nhất, Bộ NN&PTNT sẽ cung cấp các kết quả phân tích các độc tố và sẽ đưa ra khuyến cáo việc tiếp tục hoạt động đánh bắt, nuôi trồng và tiêu thụ hải sản.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ chủ trì huy động và điều phối các cơ quan nghiên cứu khoa học để thực hiện nghiên cứu làm rõ 2 nhóm nguyên nhân trên.

Đối với các địa phương, tổ chức quan trắc chất lượng nước biển ven bờ và khuyến cáo các hoạt động du lịch, tắm biển trên địa bàn.

Cuộc họp báo kết thúc ngay sau khi ông Nhân đọc kết quả thông báo. Không có bất kỳ cơ quan báo chí nào được đặt câu hỏi với Bộ TN&MT.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa có nguyên nhân chính thức

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì buổi họp báo. Ảnh Huy Hùng

Theo kế hoạch, buổi họp báo diễn ra lúc 19h, tuy nhiên đến 19h45 cuộc họp báo vẫn chưa bắt đầu. Theo giải thích, hiện Bộ đang chuẩn bị thông tin để công bố. Đây là cuộc họp báo đầu tiên về hiện tượng cá chết trên diện rộng từ ven biển Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế. Có khoảng hơn 100 nhà báo tham dự cuộc họp báo này. Tham dự cuộc họp báo có lãnh đạo các Tổng cục, cục và các đơn vị của Bộ TN&MT.

Cuộc họp báo này được tổ chức sau hơn 20 ngày kể từ khi hiện tượng cá chết xuất hiện đầu tiên tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh ngày 6-4, sau đó lan rộng cá tự nhiên chết ra các vùng ven biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.

Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Chưa có nguyên nhân chính thức

Các phóng viên trong buổi họp báo công bố nguyên nhân cá chết 19h ngày 27/4

Trước đó, vào chiều nay (27/4),  Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã chủ trì phiên họp kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ cùng lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế và các viện nghiên cứu để nghe báo cáo kết quả phân tích, xác định nguyên nhân cá chết.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho biết cuộc họp đã kết thúc mà vẫn chưa đi đến kết luận cuối cùng. Và trong thời gian tới, các bộ ngành, chuyên gia tập trung tiếp tục nghiên cứu phân tích nguyên nhân cá chết theo hai hướng: là từ tảo độc và ô nhiễm do xả thải của Formosa.

Như đã đưa tin trước đó, từ ngày 6/4, hiện tượng cá biển chết hàng loạt bắt đầu xuất hiện ở gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh), sau đó lan rộng ra suốt dọc khoảng 300 km bờ biển 4 tỉnh miền Trung: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống và sinh kế của người dân. Một bé gái 8 tuổi, ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình bị ngộ độc phải nhập viện cấp cứu do ăn phải cá chết. Một thợ lặn ở cảng Sơn Dương (Vũng Áng, Hà Tĩnh) tử vong sau khi lặn xuống biển để xây dựng đê chắn sóng và 5 thợ lặn khác cũng phải vào viện để kiểm tra sức khỏe.

Các Bộ TN-MT, NN&PTNT, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân.

Ngày 25-4, các nguyên nhân cá chết do bệnh dịch, do động đất, tràn dầu đều bị loại trừ. Lãnh đạo hai bộ TN&MT và NN&PTNT đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân khiến cá chết. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.

Nghi vấn hiện đổ dồn về Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh khi có đường ống xả thải chôn dưới đáy biển. Đường ống này rộng 1m, dài 1,5 km, nằm ở độ sâu cách mặt nước 17 m và cách bờ khoảng 1,5 km. Vài ngày trước khi xảy ra cá chết hàng loạt, công ty đã tiến hành súc rửa đường ống, có nhập khoảng 300 tấn hóa chất được đánh giá là cực độc về để làm việc này. Bộ TN-MT cho biết đã lấy mẫu để phân tích.

 

Thanh Thủy - Huy Hùng