Một số vướng mắc bất cập trong quá trình thực hiện Điều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015
Việc áp dụng các quy định của pháp luật liên quan đến “Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự, trên thực tế còn có nhiều bất cập.
Tội “chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ” được quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự như sau: “Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm”.
Như vậy có thể hiểu rằng, người tàng trữ, vận chuyển hoặc sử dụng súng săn có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về một trong các hành vi được quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự mà chưa được xem là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc đã bị kết án về tội này nhưng chưa được xóa án tích. Người phạm tội có thể bị phạt tù đến 02 năm theo khoản 1 hoặc lên đến 07 năm tù theo khoản 3 Điều 306 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên hiện nay trong thực tiễn thấy còn có nhiều bất cập trong việc áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến tội danh này, dẫn đến các bất đồng quan điểm về mặt pháp luật giữa các Cơ quan tố tụng tại địa phương.
Thứ nhất: Về các văn bản hướng dẫn quy định về tình tiết định khung hình phạt theo khoản 2, khoản 3 của Điều 306 Bộ luật Hình sự chưa hướng dẫn cụ thể về vật phạm pháp có số lượng lớn, rất lớn và đặc biệt lớn đối với vật phạm pháp là đạn sử dụng cho súng săn và vũ khí thể thao.
Tại điểm a khoản 7 Điều 4 Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐTP ngày 09/9/2022 của Hội đồng Thẩm phán nhân dân tối cao hướng dẫn: Từ 11 đến 100 đơn vị súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, công cụ hỗ trợ hoặc vũ khí không thuộc danh mục do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng được xác định là vật phạm pháp có số lượng lớn (từ 101 đơn vị trở lên theo điểm a khoản 8 Điều 4 được xác định là số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn).
Như vậy đối với vật phạm pháp là đạn sử dụng cho các loại súng săn, vũ khí thể thao thì vật phạm pháp với số lượng lớn là 11-100 viên, được tính tương đương với 11-100 khẩu súng săn, vũ khí thể thao. Điều này chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP hướng dẫn về vật phạm pháp là vũ khí quân dụng với số lượng lớn quy định tại Điều 304 Bộ luật Hình sự theo khoản 1, 2, 3 Điều 4 của Nghị quyết.
Ngoài ra tại các khoản 7, khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP quy định các loại vũ khí không thuộc danh mục do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng được xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ xác định vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như các loại vũ khí quân dụng được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được coi là vũ khí quân dụng.
Như vậy để áp dụng các quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều 4 Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐTP đối với vật phạm pháp là các loại vũ khí không thuộc danh mục do Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhưng có tính năng, tác dụng tương tự như vũ khí quân dụng để truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự là chưa phù hợp.
Thứ hai: Về việc xử lý đối với người chưa bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, chưa bị kết án về tội này (gọi tắt là người chưa có tiền án, tiền sự) có hành vi vi phạm với vật phạm pháp số lượng lớn.
Có quan điểm cho rằng người chưa có tiền án, tiền sự có hành vi hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ với số lượng lớn thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự.
Tuy nhiên xét về chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 306 được coi là chủ thể đặc biệt, phải là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự hoặc có tiền án về tội này nên cá nhân cho rằng quan điểm này là chưa phù hợp. Như vậy một người chưa có tiền án, tiền sự thực hiện hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng săn, vũ khí thể thao với bất kỳ số lượng nào đều chỉ bị xử phạt hành chính theo Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.
Tuy nhiên theo quan điểm cá nhân thấy rằng hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao với số lượng lớn của người chưa có tiền án, tiền sự có mức độ nguy hiểm cho xã hội lớn nhưng lại không truy cứu trách nhiệm hình sự là chưa phù hợp.
Đề nghị Liên ngành Trung ương cần nghiên cứu và có hướng dẫn cụ thể hơn.