Thái Nguyên bứt phá vươn lên thứ 2 cả nước về chỉ số PAPI 2023
Theo kết quả công bố, năm 2023, Thái Nguyên có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt tổng điểm 45,7875. Với kết quả này, Thái Nguyên đã từ nhóm 'Trung bình cao' vươn lên nhóm 'Cao' của cả nước.
Theo đó, sáng 2/4, Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam phối hợp tổ chức công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2023.
Hầu hết các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên đều giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đúng thời gian.
Hầu hết các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên đều giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp đúng thời gian.
Theo kết quả công bố, năm 2023, Thái Nguyên có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt tổng 45,7875 điểm. Với kết quả này, Thái Nguyên đã từ nhóm “Trung bình cao” vươn lên nhóm “Cao” của cả nước. Trong đó, có đến 6/8 chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị điện tử thuộc nhóm “cao”.
Đặc biệt, chỉ số 1 - tham gia của người dân ở cấp cơ sở của tỉnh đạt điểm cao nhất toàn quốc, với 5,9081 điểm.
Căn cứ theo tổng điểm, địa phương dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAPI năm 2023 là Thừa Thiên Huế, với tổng điểm 46,0415. Thái Nguyên là địa phương xếp thứ hai.
Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh chân thực tiếng nói của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền các cấp.
Năm 2023, khảo sát PAPI đạt số lượng phỏng vấn trực tiếp ở mức kỷ lục là 19.536 người dân là cử tri trên phạm vi toàn quốc. So sánh kết quả khảo sát PAPI năm 2023 với năm 2021 và 2022 cho thấy, hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và quản trị điện tử được cải thiện.
Chỉ số PAPI là sản phẩm của hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ Cộng đồng (CECODES), Công ty Phân tích Thời gian thực (RTA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, với sự hỗ trợ trong điều phối khảo sát thực địa của các cơ quan trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc từ Trung ương đến cơ sở từ năm 2009.
PAPI đo lường 8 chỉ số nội dung: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai; công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; trách nhiệm giải trình với người dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công; quản trị môi trường; và quản trị điện tử.