Bình Thuận vào mùa… khát:Bài 2: Hồ Ka Pét trở thành 'điểm tựa' sinh kế cho người dân
Hồ thủy lợi Ka Pét (Hồ Ka Pét) khi đưa vào sử dụng sẽ góp phần quan trọng trong việc cấp nước sản xuất, bảo đảm sinh kế cho khoảng 12.000 hộ dân của huyện Hàm Thuận Nam, trong đó có các hộ nghèo và cận nghèo.
Ở Bình Thuận những ngày cuối tháng 3, khi đi qua vùng khô hạn, chúng tôi đã thấy nhiều cánh đồng vàng cháy, thấy những ao hồ cạn kiệt nước, đến nỗi đất cát ở đáy hồ phải nứt toác ra trước sự khắc nghiệt của thời tiết.
Với người dân hai xã Mỹ Thạnh và Hàm Cần (huyện Hàm Thuận Nam), để có nước sinh hoạt thì chuyện phải xách can, đi vét nước đục dơ ở đáy hồ là thường xuyên. Nói như thế để thấy, nước sinh hoạt còn thiếu trầm trọng thì nói gì đến nước tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp…
Về phương án điều tiết nước trong mùa khô năm nay, Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Nam, Nguyễn Văn Phúc cho biết, địa phương này đã tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô trên địa bàn.
Huyện Hàm Thuận Nam vẫn theo dõi nguồn nước và thông báo cho người dân biết về nguồn nước, để tổ chức thực hiện sản xuất và phòng chống hạn. Theo tính toán, hai xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số là Hàm Cần, Mỹ Thạnh và hai xã phía Nam của huyện là Thuận Nam và Tân Lập do không có nguồn nước thủy lợi, nên nông dân không bố trí sản xuất. Vùng hạn hán có ảnh hưởng diện tích cây trồng như: Thôn Lập Sơn, Tà Mon thuộc xã Tân Lập, chủ yếu là diện tích thanh long, với diện tích khoảng 300ha.
Về nước phục vụ sinh hoạt, trong ngắn hạn, UBND huyện đã giao Phòng NN&PTNT phối hợp với các xã có nguy cơ thiếu nước sinh hoạt, nếu xảy ra thiếu nước sinh hoạt, kịp thời hỗ trợ vận chuyển nước để cấp nước cho người dân, không để thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2024.
Còn dài hạn, huyện sẽ kiến nghị tỉnh sớm đầu tư Nhà máy nước Tân Lập, mở rộng đường ống nước tại Thôn 1, thôn 2, thôn Lò To thuộc Hàm Cần. Sớm hoàn tất thi công và đưa vào sử dụng các tuyến ống nước tại các đường như: Đường Trường chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Văn Linh thuộc thị trấn Thuận Nam”.
Theo thông báo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Thuận, tính đến cuối tháng 3/2024, toàn tỉnh có 41 xã, phường, thị trấn tại 5 huyện và thành phố Phan Thiết với 26.872 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Cụ thể, tại thành phố Phan Thiết có 3 xã thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 248 hộ; Huyện Bắc Bình có 2 xã thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 110 hộ;
Huyện Hàm Thuận Bắc có 10 xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 5.321 hộ; Huyện Hàm Tân có 10 xã, thị trấn thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 3.690 hộ; Huyện Tánh Linh có 04 xã thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 594 hộ; Huyện Đức Linh có 12 xã thiếu nước sinh hoạt cục bộ với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng là 26.872 hộ.
Trước đây, khi Nghị quyết 26 ngày 05/08/2008 của Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành TW đảng khóa X về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn, hầu hết các địa phương đã đạt được những thành tựu to lớn, làm thay đổi hẳn diện mạo nông thôn. Cho đến nay, cả nước đã có tới 70% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đời sống nông dân được nâng cao, nông nghiệp ngày càng hiện đại và đang từng bước chuyển đổi từ nền nông nghiệp tiểu nông, sang nền nông nghiệp công nghệ cao.
Tỉnh Bình Thuận là địa phương tập trung 34 đồng bào dân tộc thiểu số với hơn 96.000 người, chiếm 8% so với dân số toàn tỉnh, đông nhất là đồng bào Chăm có 38.900 người, chiếm 40,5% đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh; Cư trú ở 15 xã thuần và 32 thôn xen ghép trên địa bàn.
Để tiếp tục phát triển chính sách “Tam nông”, Bình Thuận đã dùng nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đầu tư xây dựng các tuyến đường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, kiên cố hoá các tuyến đường vào các khu sản xuất.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia như: Dự án hỗ trợ bò cái sinh sản, hỗ trợ bò thuộc chương trình giảm nghèo bền vững; Chính sách đầu tư ứng trước và trợ cước vận chuyển giống, vật tư được triển khai cũng đã phát huy khá hiệu quả, góp phần giúp đồng bào có đủ giống, vật tư nông nghiệp đảm bảo chất lượng để sản xuất. Kèm theo đó là chính sách phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai đã đem lại kết quả nhất định, giúp cho đời sống của người dân nơi đây được nâng cao hơn nhiều, so với trước.
Mặt khác, tỉnh Bình Thuận đang tập trung phát triển mục tiêu ba “trụ cột” về kinh tế là công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, được gắn liền với các nghị quyết của Tỉnh ủy. Về “trụ cột” nông nghiệp, địa phương này có Nghị quyết Số 05-NQ/TU ngày 10/09/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ (khóa XIV), về phát triển ngành nông nghiệp công nghệ cao, bền vững, có giá trị gia tăng và ban hành Kế hoạch phát triển vùng sản xuất lúa thương phẩm chất lượng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025…
Nhưng trước mắt, tỉnh Bình Thuận vẫn ưu tiên “giải bài toán” thiếu nước vào mùa khô. Và Hồ Ka Pét khi đó sẽ được xem là “điểm tựa” sinh kế cho người dân, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng thiếu nước.
Dự án là Hồ thủy lợi Ka Pét được đầu tư theo Quyết định số 847/QĐ-TTg ngày 14/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án này khi hoàn thành sẽ cấp nước tưới cho khoảng 7.762 ha đất sản xuất nông nghiệp của huyện Hàm Thuận Nam; Cấp nước thô cho khu công nghiệp Hàm Kiệm II; Tạo nguồn nước thô để cấp cho sinh hoạt khoảng 120.000 người dân khu vực huyện Hàm Thuận Nam và TP Phan Thiết; Phòng, chống lũ và cải tạo môi trường, điều tiết nước cho vùng hạ du khu vực huyện Hàm Thuận Nam và tỉnh Bình Thuận; Tăng dòng chảy trong mùa khô, góp phần cải thiện môi trường sinh thái vùng hạ du, nhất là đoạn qua TP Phan Thiết, góp phần phát triển du lịch, dịch vụ…