Giải mã hiện tượng sét đánh chết người trong cơn mưa dông
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 24/04/2016
Liên tiếp nhiều người bị sét đánh tử vong trong cơn dông
Mặc dù mới bước vào đầu mùa mưa nhưng những ngày vừa qua tại một số tỉnh thành xuất hiện mưa đá và xảy ra hiện tượng sét đánh chết người. Mới đây nhất, sáng ngày 22/4, anh Nguyễn Thế Phương (SN 1985, trú tại xã Hiền Lương, huyện Sóc Sơn) công nhân làm việc tại khu Công nghiệp Nội Bài, trên đường đi làm về, khi đi qua địa phận thôn Xuân Bách, xã Quang Tiến bất ngờ bị sét đánh tử vong ngay giữa đường.
Cách đó ít ngày, vào khoảng 14h chiều ngày 18/4, trong lúc ra chăm sóc vườn cây, anh Lê Văn Dũng (trú tại xóm 6, xã Quang Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An) cũng bị sét đánh trúng người khiến anh gục ngã tại chỗ. Khi xảy ra sự việc, nhiều người hàng xóm đã nhanh chóng chạy đến sơ cứu, đắp bùn lên người nạn nhân, đồng thời gọi xe cấp cứu đưa anh đi bệnh viện nhưng nạn nhân đã tử vong trước khi đến bệnh viện.
Một người dân bị sét đánh tử vong
Dư luận chắc hẳn vẫn chưa quên hai vụ sét đánh liên tiếp xảy ra ở tỉnh Đồng Tháp khiến 7 người chết tại chỗ. Theo chính quyền địa phương, tất cả 7 nạn nhân bị sét đánh tử vong đều đang thu hoạch lúa ngoài đồng, thấy trời mưa lớn liền cùng nhau vào lán trú mưa và bị sét đánh trúng nơi trú ẩn.
Cụ thể, vụ sét đánh nghiêm trọng xảy ra vào khoảng 14h ngày 31/3/2006, tại ấp 3, xã Thạnh Lợi, huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp. Vào thời điểm trên, tại địa bàn xảy ra mưa lớn, sét đánh làm chết 5 người là anh Nguyễn Tấn Cường (27 tuổi), ngụ ấp 1, xã Hưng Thạnh, Tháp Mười; Nguyễn Văn Tiến (29 tuổi), Nguyễn Phong Anh (29 tuổi), Phạm Văn Giới (39 tuổi), Phạm Văn Hoàng (39 tuổi), cùng ngụ An Thới Đông, huyện Mỏ Cày, Bến Tre và làm 5 người khác bị thương. Trong đó có hai người phụ nữ bị thương rất nặng.
4 ngày sau, tại Hợp tác xã số 3 thuộc ấp 2 xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), trời đổ mưa kèm theo sấm sét làm chết hai anh em ruột là Châu Trọng Thủy (36 tuổi) và Châu Văn Tuấn (33 tuổi) cùng ngụ ấp Trung, xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình.
Một vụ sét đánh khác xảy ra tại cánh đồng thuộc địa phận phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp (nay là TP Tam Điệp, Ninh Bình) khiến 4 người tử vong tại chỗ 3 người bị thương nặng.
Theo đó, chiều 24/5/2015, bảy nông dân đang gặt lúa tại cánh đồng Cùng, thuộc địa phận phường Tân Bình (thị xã Tam Điệp) thì gặp cơn dông kèm sấp chớp kéo đến. Khi nhóm người này đang chuyển từng bó lúa lên bờ ruộng thì bị sét đánh trúng.
Bốn nạn nhân tử vong tại chỗ được xác định là ông Trần Văn Tuân (55 tuổi), chị Nguyễn Thị Thùy (29 tuổi, cùng trú phường Tân Bình, thị xã Tam Điệp); chị Phạm Thị Tấm (41 tuổi) và chị An Thị Nhung (34 tuổi, cùng trú xã Khánh Cư, huyện Yên Khánh).
Còn ba người bị thương là chị Vũ Thị Ngải (42 tuổi), chị Đặng Thị Yến (43 tuổi, cùng trú xã Khánh Cư, Yên Khánh) và Trần Thị Bưởi (35 tuổi, trú thị xã Tam Điệp).
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vật lý Địa cầu thực hiện năm 2004, cả nước có 820 vụ sét đánh gây thiệt hại nhiều tỷ đồng, làm gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực. Đặc biệt, tại một số khu vực như Cổ Dũng (Hải Dương), Sơn Lộc (Hà Tĩnh), đồng bằng sông Cửu Long, xảy ra nhiều vụ sét đánh làm thiệt hại mùa màng.
Sét đánh có một phần do yếu tố con người gây nên?
Theo lý giải của nhà nghiên cứu Đỗ Sơn Hà, sét là hiện tượng phóng điện trong khí quyển giữa đám mây với đất hay giữa các đám mây mang các điện tích khác dấu gần nhau ở khoảng cách nhất định. Đôi khi sét còn xuất hiện trong các trận phun trào núi lửa hay bão bụi. Khi phóng điện trong khí quyển, tia sét luôn đi theo đường ngắn nhất và có thể di chuyển với tốc độ 36.000 km/h. Vì sét là sự di chuyển của các ion, nhưng hình ảnh của sét là do dòng plasma phát sáng tạo ra nên có thể thấy nó trước khi nghe tiếng động, sở dĩ vậy là do tiếng động chỉ di chuyển với tốc độ 1.230 km/h trong điều kiện bình thường của không khí còn ánh sáng đi được 299.792 km/s. Sét đạt tới nhiệt độ 30.000 °C
Sét đánh có một phần do yếu tố con người gây nên
Người hay súc vật bị sét đánh thì chỗ bị sét đánh bị bỏng nặng hoặc cháy đen. Nếu bị nặng sẽ tử vong tại chỗ, nếu không chết thì mang thương tật suốt đời, giảm sút sức khỏe. Con người hay súc vật bị sét đánh không chỉ vào ngày mưa dông mà có trường hợp bị sét đánh vào những ngày không mưa đó là do bị sét hòn.
Sét hòn là dạng sét tồn tại dưới dạng một vật thể bay sáng xuất hiện cùng tia sét từ mây xuống đất. Sét hòn có dạng hình quả trứng, hình que, hình giọt nước. Vào các dịp mưa dông rất hay có sét và thường 90% sét âm, tức là sét từ đám mây đánh xuống đất.
Về nguyên nhân hình thành sét, ông Hà cho biết có một phần do yếu tố con người gây nên. Lý giải điều này, ông Hà phân tích có hai nguyên nhân chính gây ra nhiều sét là do núi lửa phun trào và do hiện tượng Elnino, hoặc do con người đốt rừng gây ra những trận cháy rừng dữ dội tạo ra một làn khói đặc đủ để dẫn điện. Mà nguyên nhân dẫn tới hiện tương Elnino là do biến đổi khí hậu, do con người thải nhiều khí đốt lên bầu khí quyển, đốt phá, khai thác rừng bừa bãi.
Để phòng chống sét an toàn và hiệu quả, nhà nghiên cứu Đỗ Sơn Hà cho biết, khi xây dựng nhà cao tầng phải làm cột chống sét hay còn gọi là cột thu lôi đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, đang làm việc ngoài đồng khi có mưa dông tuyệt đối không trú mưa dưới tán cây cao hoặc ẩn trú ở các gò đống đất cao và tuyệt nhiên không cầm các vật liệu bằng kim loại như liềm, hái, cuốc, xẻng, dao, que sắt… và cũng không đứng gần các con vật to lớn như bò, trâu. Nếu đang ở trong nhà khi trời mưa dông cần tắt ngay các thiết bị dùng điện như ti vi, tủ lạnh, điều hòa và cần tránh xa các thiệt bị điện.
Có thể thấy hiện tượng sét đánh chết người vào mỗi dịp mưa dông gây hậu quả nặng nề về người và tài sản. Vì vậy, để phòng chống sét, các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu, đặc biệt là những người dân ở vùng sâu vùng xa để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.
Theo Viện Vật lý địa cầu, nếu bạn thấy tóc bị dựng lên (như cảm giác sờ tay vào trước mặt ti vi) thì có nghĩa là bạn có thể bị sét đánh bất cứ lúc nào. Lập tức ngồi xuống và lấy tay che tai, không nằm xuống đất hoặc đặt tay lên đất. Nếu người bị sét đánh ngất (tim ngừng đập, tắt thở) phải thực hiện khẩn cấp các động tác hô hấp, trợ tim nhân tạo, không di dời nạn nhân nếu nghi ngờ bị gãy cột sống... |