Tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 2034/BCT-ĐTĐL về việc xin ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) được xây dựng nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Nhiều vấn đề bất cập cần sửa đổi
Bộ Công Thương nhận định, thực tiễn thi hành pháp luật về điện lực cho thấy còn tồn tại một số vấn đề mà các quy định tại Luật Điện lực hiện hành chưa đáp ứng được, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng mục tiêu triển khai các chính sách của Đảng đối với lĩnh vực năng lượng nói chung và điện lực nói riêng, đặc biệt là mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tăng cường phân công, phân cấp, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về điện lực, đồng thời giải quyết một số vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Điện lực hiện đang thiếu cơ sở pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước.
Trong quá trình tổng kết, rà soát Luật Điện lực cho thấy hiện nay, việc thực hiện quy hoạch phát triển điện lực quốc gia có một số vướng mắc trong triển khai thực hiện, ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện, cụ thể như chất lượng xây dựng, tổ chức, triển khai thực hiện quy hoạch ngành điện chưa cao.
Cơ chế, chính sách đối với ngành điện còn thiếu đồng bộ; hạn chế về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước ở trung ương, địa phương trong thực hiện quy hoạch, đầu tư phát triển điện lực; vốn đầu tư phát triển điện ở nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo..
Những yêu cầu thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như yêu cầu hoàn thiện khung pháp lý để phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới (NLTT) phù hợp với xu hướng và cam kết hội nhập quốc tế về chống biến đổi khí hậu…
Một số nội dung về điều kiện cấp giấy phép hoạt động điện lực tại Điều 32 Luật Điện lực không còn phù hợp với thực tiễn và không đảm bảo sự linh hoạt trong việc đánh giá điều kiện hoạt động điện lực để kịp thời điều chỉnh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Vướng mắc liên quan đến giá điện theo cơ chế thị trường và hoạt động mua bán điện đảm bảo định hướng phát triển thị trường điện; vướng mắc về quản lý, vận hành hệ thống điện; vấn đề liên quan đến kiểm định an toàn kỹ thuật thiết bị, dụng cụ điện, an toàn điện sau công tơ và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động điện lực
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 94 Điều, bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; an toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Mục đích xây dựng Luật Điện lực (sửa đổi) nhằm tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, khả thi cho hoạt động điện lực và sử dụng điện. Đảm bảo sự phù hợp và đồng bộ giữa chính sách phát triển điện lực với các chính sách có liên quan khác, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, đồng thời, khắc phục các bất cập trong quá trình thực thi Luật Điện lực hiện hành.
Đồng thời, tạo điều kiện cho phát triển nguồn và lưới điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng cao của nhân dân và sự phát triển của nền kinh tế - xã hội; bảo đảm và nâng cao chất lượng điện năng, chất lượng cung cấp dịch vụ điện; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh và an ninh năng lượng quốc gia, trong đó, đẩy mạnh việc phát triển điện năng lượng tái tạo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội.
Đổi mới các nội dung quy định tại luật nhằm nâng cao tính khả thi và tính hiệu quả trong thực thi pháp luật về điện lực, đáp ứng yêu cầu của phát triển ngành điện nói chung và thị trường điện lực cạnh tranh nói riêng, tiến tới xây dựng thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh, trong đó, trọng tâm là điều chỉnh cơ chế giá điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.
Bảo đảm phát huy quyền tự chủ trong sản xuất kinh doanh của các đơn vị điện lực, không phân biệt đối xử trong hoạt động điện lực, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của các hoạt động điện lực; kết hợp hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng điện, đơn vị điện lực và Nhà nước.