Điểm tựa giữa trùng khơi
Đời sống - Ngày đăng : 09:47, 23/04/2016
Thế nên, mấy năm gần đây, số lượng tàu thuyền tham gia đánh bắt trên ngư trường Trường Sa ngày càng nhiều, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc…
Sát cánh cùng ngư dân
Khi màn đêm phủ xuống mặt biển cũng là lúc hàng trăm tàu cá bật đèn. Ánh sáng ấy phản chiếu xuống mặt nước tạo nên những vầng sáng lung linh thật yên bình. Đứng trên boong tàu HQ 996 trên đường đến quần đảo Trường Sa, nhìn những "ngôi sao" ấy, ai cũng thấy rưng rưng một niềm cảm mến khó tả. Giữa đại dương tiềm ẩn biết bao nguy hiểm, những con tàu nhỏ bé với lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên đỉnh cột cờ, những con người nhỏ bé mang dòng máu Việt Nam đang bền bỉ bám biển, đối mặt với sóng gió đại dương, bảo vệ ngư trường, góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo bất khả xâm phạm của Tổ quốc.
Những năm trở lại đây, năm nào số lượng tàu thuyền vươn khơi tới ngư trường Trường Sa khai thác cá cũng tăng lên vài chục phần trăm. “Ngày trước, để vươn ra khơi xa, ngư dân phải tổ chức cả một đội tàu thuyền, trong đó có thuyền chỉ làm công tác hậu cần cung cấp nước ngọt, rau xanh, thực phẩm... cho cả đội tàu. Điều này khiến cho chi phí đi biển tăng cao và khả năng tự chủ cũng vì thế mà hạn chế. Không những vậy, các đội tàu phải đối diện với những tình huống ngư phủ ốm đau bất ngờ, gặp tai nạn lao động là phải thay đổi hải trình, cho tàu quay vào bờ, gây ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của chuyến đi biển”, ngư dân Huỳnh Văn Thuận, tàu BĐ 205 cho biết.
Ngư dân tự tin bám biển
Giờ đây, những khó khăn của ngư dân đã giảm đi phần nào khi một số điểm đảo trên quần đảo Trường Sa đã có khu dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, đáp ứng được nhu cầu cho các đội tàu. Cùng với đó là đội ngũ y, bác sỹ quân đội sẵn sàng giúp đỡ khi ngư dân gặp nạn. Nhiều đảo có trạm quân y được trang bị thiết bị y tế cơ bản có thể cấp cứu, điều trị một số trường hợp bệnh nặng nguy hiểm đến tính mạng.
Trường Sa có thêm nhiều tàu cá cũng là niềm động viên đối với cán bộ, chiến sỹ đóng quân trên các điểm đảo. Mỗi khi có tàu cá vào đảo là bộ đội lại có thêm những con cá tươi ngon, thậm chí nhiều loại cá đặc sản giá trị cao cũng được ngư dân tặng cho anh em thưởng thức. Món quà các cán bộ chiến sỹ tặng lại tàu là những thùng nước ngọt, chút ít rau xanh để ngư phủ cải thiện bữa ăn. Rồi những câu chuyện về quê hương, gia đình, tình hình đánh bắt… rôm rả như lấp đầy khoảng trống vắng bao la của biển cả, như một món quà tinh thần vô giá.
Nhớ hôm tàu HQ 996 cập đảo Đá Tây, gặp tàu cá của ngư dân, anh em trong đoàn tỏ ý muốn mua lại ít cá tươi để ăn cho lạ miệng. Mấy bác ngư dân liền xách lên cho đoàn con cá ngừ đại dương gần 50kg, mà nhất quyết không chịu nhận tiền. Đi biển là vậy, gặp nhau trên biển cứ như những người xa quê lâu ngày gặp được đồng hương. Ở đất liền, mớ rau, ca nước chẳng đáng bao nhiêu tiền, nhưng giữa biển thì lại hoàn toàn khác. Sự hào phóng, nghĩa tình của bà con đã để lại ấn tượng ấm áp thật khó quên với những người từ đất liền ra thăm Trường Sa. Có lẽ giữa biển khơi mênh mông, tấm lòng con người luôn rộng mở và bao dung như biển cả.
“Ngôi nhà” Trường Sa
Nhắc đến “ngôi nhà” Trường Sa, không thể không nói đến Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây. Chỉ trong mấy tháng đầu năm, nơi đây đã cung cấp hàng nghìn lít dầu, hàng chục mét khối nước ngọt và hàng tấn thực phẩm cho các tàu cá hoạt động trên ngư trường Trường Sa. Đã có hàng trăm trường hợp các tàu cá bị hỏng máy trên biển được Đội sửa chữa của trung tâm sửa chữa thành công, giúp ngư dân tiếp tục bám biển.
Xác định nhiệm vụ là chỗ dựa tin cậy của ngư dân, Trung tâm cung cấp xăng dầu với giá chỉ bằng giá tại đất liền vì đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí vận chuyển còn nước ngọt được cấp miễn phí. Đặc biệt, mỗi khi có điện đàm từ các đội tàu xin được sửa chữa tàu cá và cứu hộ cứu nạn trên biển, các cán bộ của Trung tâm đều lên đường bất kể ngày đêm, mà không đòi hỏi bất cứ một khoản phí dịch vụ nào. Mỗi khi biển nổi cơn thịnh nộ thì cũng là lúc các điểm đảo trở thành nơi trú đậu an toàn cho các đội tàu.
Vững vàng giữa trùng khơi
Anh Nguyễn Tất Đạt, Thuyền trưởng tàu 03, Đội trưởng đội sửa chữa Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây, người đã "cứu sống" hàng trăm con tàu chết máy trên biển, luôn tự hào về công việc mà anh đang đảm nhiệm. Người thợ máy, thuyền trưởng quê gốc xứ Nghệ này đã có gần chục năm bám biển Trường Sa giúp bà con ngư dân trong nhiều tình huống khó khăn. Anh không thể nhớ hết những con tàu anh đã sửa, cùng chủ nhân của nó. Nhưng họ thì rất nhớ người thuyền trường nhiệt tình và giỏi nghề.
Mỗi lần những con tàu ấy chạy qua đảo gặp tàu của đội sửa chữa, bao giờ họ cũng kéo còi hoặc vẫy tay chào. Anh Đạt bảo, mỗi tàu một loại bệnh, mỗi tàu một loại máy khác nhau, thiết bị thay thế không có, hoặc không thích hợp nhưng anh cùng anh em trong đội sửa chữa đều cố gắng quyết tâm khắc phục cho kỳ được. Có nhiều tàu hỏng nặng, các anh lại cho tàu 03 kéo về Trung tâm để cùng các đội sửa chữa khác tìm biện pháp tháo gỡ, quyết không để tàu hỏng phải kéo vào bờ.
Giờ, mỗi khi nhắc đến các cán bộ của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, ngư dân đánh bắt trên vùng biển Trường Sa đều dành cho các anh những lời trân trọng và trìu mến. Dù không nói ra nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ một điều rằng, có các anh, ngư dân thêm quyết tâm bám biển, những chuyến tàu ra khơi thêm vững vàng tay lái.
Hiện nay, trên huyện đảo Trường Sa có nhiều âu tàu để tàu thuyền của ngư dân tránh trú bão, lấy nước ngọt như ở đảo Đá Tây, Tốc Tan, Song Tử, Sinh Tồn... Ngoài ra, các đảo đều là nơi sẵn sàng giúp đỡ tàu cá và ngư dân mỗi khi gặp sự cố trên biển. Hằng năm, mỗi điểm đảo đều giúp đỡ hàng trăm lượt tàu cá; quân y trên đảo tham gia cứu chữa mỗi khi ngư dân ốm đau, bệnh tật.
Tự tin bám biển
Tôi gặp Huỳnh Quang Huy, một ngư dân đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đang nằm điều trị tại Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn. Tàu QN 96787 của Huy bị mắc lưới dưới rạn san hô. Cũng như bao lần, Huy lặn xuống gỡ lưới ở độ sâu hơn 10m. Không ngờ lần này anh cảm thấy bủn rủn chân tay ngay sau khi lên tàu. Anh đã bị áp suất của nước biển làm cho máu không thể tuần hoàn đều lên não, dẫn tới liệt một bên người. Rất may là đội tàu đã kịp thời đưa Huy vào đảo, tại đây anh được các y, bác sỹ của đảo kịp thời thăm khám và điều trị.
Khi gặp tôi, tuy anh chưa thể đi lại bình thường nhưng tay chân đã có thể cử động được. Anh nói, rất biết ơn cán bộ chiến sỹ trên đảo đặc biệt là các y, bác sỹ đã giúp anh trong những ngày qua, nếu ở trong đất liền thì chưa chắc anh đã có đủ tiền để đi nằm viện. Còn ở đây, anh đã được điều trị miễn phí, cái ơn này anh không biết phải trả bằng cách nào.
Ngư dân Huỳnh Văn Thuận: “Bây giờ đi biển đỡ khổ hơn ngày trước...”
Không chỉ ở đảo Trường Sa Lớn mà ở các điểm đảo khác các y, bác sỹ quân đội cũng luôn hết lòng với các bệnh nhân là ngư phủ. Cách đây không lâu, Bệnh xá đảo Song Tử Tây đã tiếp nhận ngư dân Phạm Văn Xiêm, (Bình Định) trong tình trạng hết sức nguy kịch. Sau khi hội chẩn, các y, bác sỹ đã tiến hành mổ cấp cứu khâu lại vết thủng dạ dày, cứu anh Xiêm qua khỏi cơn hiểm nghèo. Sau khi được chuyển vào đất liền tiếp tục điều trị, anh Xiêm đã hồi phục rất nhanh. Các bác sỹ tại bệnh viện đa khoa Bình Thuận cũng đánh giá rất cao nỗ lực của các y, bác sỹ Bệnh xá đảo Song Tử Tây.
Giờ đây, quân và dân trên huyện đảo Trường Sa đã thực sự xây sựng quần đảo này trở thành đảo thép, thành chiến hạm nổi kiên cường giữa trùng khơi, canh giữ yên bình nơi đầu sóng. Sát cánh cùng với những người lính đảo là những ngư dân đang ngày đêm dọc ngang đánh cá trên vùng biển chủ quyền. Trên những con tàu bé nhỏ ấy luôn phấp phới bay màu cờ thắm đỏ.
Đối với những ngư dân tham gia đánh bắt trên vùng biển này như các anh Huỳnh Văn Thuận, Huỳnh Quang Huy và nhiều người khác nữa, họ luôn tìm thấy sự tự tin, ấm áp khi được nhìn thấy lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh giữa trùng dương mênh mông. Và, họ càng như được tiếp thêm nghị lực, khát vọng vươn khơi khi mỗi hành trình của họ đều có sự đồng hành của biết bao người đang sống, cống hiến vì biển đảo thân yêu. Đối với họ, Trường Sa không chỉ có sóng, gió và thủy sản, mà nơi đây còn là điểm tựa để họ bám biển quê hương, nơi cha ông đã phải đánh đổi bằng mồ hôi, thậm chí máu để giữ gìn.