Môi trường kinh doanh 2012: Những thách thức phải vượt qua
Chính trị - Ngày đăng : 10:49, 13/04/2012
Cần cải thiện kinh tế vĩ mô
Nguyên nhân của việc xếp hạng của môi trường kinh doanh Việt Nam bị giảm trong năm 2011 là do việc cải thiện hệ thống điện, cải cách hành chính chậm, lòng tin của các nhà đầu tư chưa được cải thiện đáng kể.
Kết quả điều tra về chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý của Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho thấy, trong năm 2011, chỉ số này đã giảm từ 78 xuống còn 52 điểm. Năm 2011, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, chỉ bằng 74% so với năm 2010. Điều này cho thấy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn còn những quan ngại nhất định về môi trường kinh doanh và đầu tư tại nước ta. Lý giải nguyên nhân của vấn đề trên, nhiều ý kiến cho rằng, tỷ lệ lạm phát vẫn còn ở mức cao kèm theo sự khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, thiếu đồng bộ trong kết cấu hạ tầng cơ sở và các gánh nặng về thủ tục hành chính vẫn chưa được cải thiện đáng kể.
Một phiên đấu giá cổ phần.
Để Việt Nam duy trì sức cạnh tranh và giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong năm 2012 cũng như trong trung và dài hạn, Việt Nam cần có những hành động để tập trung giải quyết vào một số lĩnh vực trọng yếu. Đó là: ổn định môi trường kinh tế vĩ mô; bảo vệ tốt hơn quyền lợi của các nhà đầu tư, nhất là trong lĩnh vực cấp phép; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tục thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng cơ sở và đảm bảo nguồn cung năng lượng; tiếp tục nâng cao chất lượng của lực lượng lao động Việt Nam thông qua việc khuyến khích giáo dục cấp cao hơn và đào tạo nghề; đẩy mạnh hơn nữa việc giải quyết nạn tham nhũng, quan liêu; tiếp tục giảm và đơn giản hoá các gánh nặng hành chính ở tất cả các cấp.
Những thành công trong năm 2011 tuy rất tích cực, nhưng vẫn còn những giới hạn trong nhiều vấn đề, chủ yếu là do môi trường kinh tế vẫn còn những bất ổn. Do đó, trong năm 2012, cải thiện kinh tế vĩ mô cần được thúc đẩy nhanh hơn khi lạm phát được kiềm chế và sự ổn định quay trở lại nền kinh tế.
Những vấn đề phải giải quyết
Về cấp phép đầu tư, nhiều doanh nghiệp cho rằng, họ vẫn phải chờ đợi thời gian quá dài trong quá trình phê duyệt và cấp phép đầu tư và đăng ký kinh doanh. Việt Nam cần có những cải cách trong việc cấp phép để đảm bảo tốt hơn cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Nhiều ý kiến cho rằng, để có thể cung cấp lực lượng lao động và các nguồn nhân lực khác cần thiết để hỗ trợ việc sản xuất công nghệ cao tại Việt Nam, cần đưa ra một “văn hoá cải tiến” và tôn trọng hơn quyền sở hữu trí tuệ.
Về kết cấu hạ tầng cơ sở và nguồn cung năng lượng: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần trên 160 tỷ USD để phát triển kết cấu hạ tầng cơ sở, bao gồm cả các hệ thống giao thông, cầu cống, các nhà máy điện, các hệ thống cung cấp nước cũng như hệ thống xử lý chất thải… Tuy vậy, thực tiễn cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn đang cân nhắc về việc đầu tư vào các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở do lo ngại về vấn đề kém hiệu quả và các sự bảo đảm về vốn. Do đó, Việt Nam cần khuyến khích đầu tư tư nhân cho các dự án ưu tiên đã được lựa chọn và mở thầu để tuyển chọn các nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm.
Về nguồn cung năng lượng, việc tiêu thụ điện được dự báo tăng nhanh ở mức ít nhất là gấp đôi GDP với mức tối thiểu là 12% hàng năm. Việc xây dựng các nhà máy điện mới nhìn chung chưa bắt kịp với nhu cầu và thực tiễn dẫn đến sự thiếu hụt về nguồn cung. Để giải quyết vấn đề này, nước ta cần phải điều chỉnh giá năng lượng theo các cấp khu vực. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các năng lượng tái tạo cần được quan tâm cao hơn cũng như khuyến khích các giải pháp bền vững về trung và dài hạn. Việt Nam đã có chủ trương về điều chính giá điện theo cơ chế thị trường. Tuy vậy, ở cấp rộng hơn, Việt Nam cần tiếp tục khuyến khích các thị trường này và cho phép các doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào thị trường và xây dựng được một thị trường phát điện cạnh tranh đầy đủ vào năm 2015 (thay vì vào năm 2024).
Về phát triển nguồn nhân lực: Nhìn chung, hơn 65% lực lượng lao động của Việt Nam không có kỹ năng chuyên môn, 78% lao động từ 20-24 tuổi không có hoặc thiếu kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, khoảng 60% lao động vẫn được coi là lao động trong các khu vực không chính thức. Trong khối ASEAN, Việt Nam vẫn bị xếp ở nửa dưới về phát triển nguồn nhân lực. Do đó, Việt Nam cần tăng cường cải thiện và nâng cao chất lượng lực lượng lao động để đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước đang thay đổi một cách nhanh chóng. Để giải quyết vấn đề này, cần tăng cường phát triển các trang thiết bị và giáo trình đào tạo nghề hiện đại, để đáp ứng tốt hơn việc thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài có giá trị gia tăng cao cũng như đáp ứng được các nhu cầu của các doanh nghiệp.
Về sự minh bạch và tham nhũng: Nhiều ý kiến cho rằng, hối lộ và tham nhũng đang ảnh hưởng đến thể chế dân chủ, quản trị doanh nghiệp và sự hoạt động của các doanh nghiệp. Hối lộ và tham nhũng cũng không khuyến khích đầu tư và làm xói mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Tham nhũng làm chệch hướng những nguyên tắc kinh tế. Tham nhũng cũng làm cản trở những ý định của các chính phủ nước ngoài trong việc cung cấp vốn ODA. Để giải quyết vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Mặt khác, Việt Nam không những cần cam kết thực hiện cải cách hành chính trên phạm vi toàn quốc, mà đồng thời phải cam kết tăng cường các tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ công chức tại tất cả các cấp, các ngành. Việc giảm thiểu tham nhũng sẽ góp phần vào việc nâng cao hiệu quả đầu tư và môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Bảo Nam