Tăng trưởng tín dụng đạt 0,26% trong quý 1/2024
Sau ba tháng, tín dụng đã có dấu hiệu tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2023.
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2024 vừa được Tổng Cục Thống kê công bố cho biết, tiếp nối đà giảm từ cuối năm 2023, xu hướng giảm lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được duy trì. Tính đến ngày 25/3/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng giảm 0,76% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%.
Tổng doanh thu phí bảo hiểm quý I/2024 ước đạt 53.295 tỷ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Về thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index có xu hướng tăng mạnh so với cuối năm 2023. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 22.529 tỷ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023; giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 9.698 tỷ đồng/phiên, tăng 48,8%.
Lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam trong tháng 2/2024 của ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước ở mức 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 2,2 - 3,1%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Với kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng, lãi suất tiền gửi trung bình đạt 5,3 - 5,6%/năm; kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng, lãi suất là 6,8 - 7,5%/năm còn với kỳ hạn trên 24 tháng lãi suất ở mức 6,9 - 7,3%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,7 - 9,9%/năm.
Tổng Cục Thống kê nhận định, tín dụng tiếp tục được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân, doanh nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, nguyên nhân khiến tín dụng giảm là do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao, đồng USD, giá vàng thế giới diễn biến phức tạp; chênh lệch lãi suất USD-VND,... là những yếu tố tác động tiêu cực lên sự ổn định của tỷ giá VND/USD trong nước, nhất là khi lãi suất VND dự kiến tiếp tục giảm.
Ngoài ra, khó khăn trong việc cấp tín dụng từ những yếu tố khách quan như thời vụ; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa vay được vốn, khó khăn trong việc triển khai các chương trình tín dụng, khả năng huy động vốn trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng còn hạn chế.
Về những yếu tố chủ quan, NHNN cho rằng một số ngân hàng còn thận trọng cấp tín dụng do nợ xấu gia tăng, một số khoản nợ cũ chưa được điều chỉnh giảm lãi suất, thủ tục cho vay còn chậm, cơ chế tài sản đảm bảo thiếu linh hoạt, hoạt động huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu và vốn FDI đều thấp… khiến nguồn vốn tập trung vào tín dụng ngân hàng.