Kinh tế

Kinh tế xanh là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp ĐBSCL

Minh Triết 28/03/2024 - 14:57

Ngày 28/3, tại TP Cần Thơ đã diễn ra Hội thảo “Chuyển dịch xanh: thách thức, cơ hội cho doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp”. Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học, các chuyên gia.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cho rằng, kinh tế xanh không còn là khái niệm xa lạ, là xu hướng trên toàn cầu. Kinh tế xanh là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Theo ông Nguyễn Phương Lam, các quốc gia đã nhận ra đã đến lúc cần phải chuyển đổi kinh tế theo hướng xanh hóa và bền vững. Một trong những thước đo quan trọng môi trường toàn cầu được bảo vệ, đó là lượng khí thải phát ra để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, vốn là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu diễn ra ngày một nhiều hơn. Để trái đất đạt trung hòa phát thải, các quốc gia đều phải hướng đến một nền kinh tế không phát thải, tức Net Zero, trong đó có Việt Nam.

a-1.jpg
Kinh tế xanh là cơ hội và cũng là thách thức cho doanh nghiệp ĐBSCL

Việt Nam là quốc gia tiên phong cam kết giảm thải carbon bằng 0 vào 2050. Đây mức cam kết rất mạnh mẽ, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế, và đó cũng là một định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Trong quá trình chuyển đổi xanh, khu vực ĐBSCL đang có lợi thế là vùng sản xuất nông nghiệp lớn cả nhất nước, tỷ lệ phủ xanh cao, ít có nhà máy, xí nghiệp sản xuất công nghiệp ô nhiễm; còn nhiều khu dự trữ sinh quyển quý giá.

Dù nhiều áp lực về quá trình chuyển đổi, nhưng Net Zero cũng mở ra những cơ hội kinh doanh mới, đó là giá trị thu được từ phát thải hay gọi là “tín chỉ carbon”, mà nhiều nước đang áp dụng. Người tiêu dùng các nước đã phát triển, đang phát triển bắt đầu tích cực lựa chọn các sản phẩm “xanh” hoặc đạt mức trung hòa carbon để bảo vệ cho chính tương lai của mình trong điều kiện trái đất đang nóng lên vì hiệu ứng khí nhà kính.

“Tuy nhiên, để chuyển đổi sản xuất xanh, hướng đến nền nền kinh tế xanh, là một vấn đề rất phức , nhất là những quốc gia đang phát triển như Việt Nam, bởi cân bằng được mục tiêu phát triển giữa kinh tế và môi trường rất khó khi mà trình độ khoa học công nghệ còn hạn chế, tư duy và những quy định chưa hoàn thiện”, ông Nguyễn Phương Lam nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm đó, bà Nguyễn Thị Hà - chuyên gia Công ty CP Sáng tạo xanh Việt Nam cho rằng, chuyển đổi xanh là xu hướng bắt buộc quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp. Chỉ có con đường tăng các quy chuẩn đáp ứng yêu cầu về sản xuất sản phẩm xanh thì doanh nghiệp mới có thể tìm kiếm được lợi nhuận và duy trì sản xuất.

“Để chuyển đổi xanh thì doanh nghiệp phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính; nghiên cứu các giải pháp giảm phát thải phù hợp; xây dựng lộ trình, kế hoạch tích hợp vào chiến lược kinh doanh; triển khai các giải pháp tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng; nâng cấp để tăng hiệu suất thiết bị; bù đắp thiếu hụt carbon thông qua đầu tư dự án carbon hoặc mua tín chỉ carbon; đề xuất các tổ chức uy tín chứng nhận trung hoà carbon để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường khó tính, giá bán tốt hơn”, bà Nguyễn Thị Hà khuyến cáo.

a-2.jpg
Tập quán đốt đồng trong sản xuất lúa làm gia tăng phát thải khí carbon cần được chuyển đổi

Nhận định về tiềm năng thị trường tín chỉ carbon, bà Hoàng Thị Minh Hiền, Công ty CP Intraco cho biết, thị trường mua bán tín chỉ carbon trên thế giới đã có khoảng 20 năm nay với khoảng 170 loại chứng chỉ carbon. Tại Việt Nam, thị trường carbon chỉ mới bắt đầu nên còn nhiều dư địa phát triển.

“Thị trường carbon nói chung là một hệ thống thương mại hoặc một nơi để mua bán các công cụ liên quan đến phát thải khí nhà kính. Công cụ được giao dịch thường là tín chỉ carbon hoặc hạn ngạch carbon.

Có 2 loại thị trường carbon, gồm: Thị trường carbon bắt buộc có giá trị khoảng 850 tỷ USD/năm, được quy định bởi chính phủ quốc gia, khu vực hoặc tiểu khu vực nhằm mục đích giới hạn lượng phát thải cho các ngành cụ thể.

Thị trường carbon tự nguyện đạt giá trị 2 tỷ USD/năm: Là thị trường hoạt động ngoài, thị trường tự nguyện và cho phép các thực thể mua hoặc bán tín chỉ carbon nhằm đáp ứng mục đích riêng của họ trên cơ sở tự nguyện”, bà Hoàng Thị Minh Hiền chia sẻ thông tin về thị trường carbon toàn cầu.

Minh Triết