Chính trị

Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng

PV 28/03/2024 - 13:52

Sáng 28/3, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Hải Dương long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng (2/4/1904 - 2/4/2024).

Dự lễ kỷ niệm có các đồng chí: Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Quyền Chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Trần Văn Rón, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Thường trực UBKT Trung ương; đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương; lãnh đạo Quân khu 3; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương và đại diện gia đình, dòng họ của đồng chí Nguyễn Lương Bằng.

dsc_9435-1-.jpg
Các đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.

Tại lễ kỷ niệm, ông Trần Đức Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương đã đọc diễn văn nêu bật về cuộc đời, sự nghiệp và những dấu ấn cá nhân nổi bật của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đối với đất nước và cách mạng Việt Nam và quê hương Hải Dương.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng nhấn mạnh: Kỷ niệm 120 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Lương Bằng, tự hào, trân trọng biết ơn người con ưu tú của dân tộc và quê hương Hải Dương, chúng ta càng thấu hiểu và khắc ghi những bài học cách mạng vô cùng quý giá cho công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, đất nước hiện nay.

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương kêu gọi các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục học tập, noi gương tấm gương đạo đức ngời sáng và để kế tục xứng đáng sự nghiệp vẻ vang của đồng chí Nguyễn Lương Bằng cùng các bậc tiền bối cách mạng, tiếp tục nêu cao ý chí, khát vọng xây dựng và phát triển quê hương đất nước giàu mạnh, văn minh; xây dựng tinh thần chủ động, tích cực, đổi mới, sáng tạo với tư duy, tầm nhìn chiến lược, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, tạo nền tảng để Hải Dương sớm trở thành phố trực thuộc Trung ương.

Trong khuôn khổ diễn ra lễ kỷ niệm, các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu đã dâng lên những nén hương thơm và những lẵng hoa tươi thắm với lòng thành kính và biết ơn đối với nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng, tại Nhà tưởng niệm đồng chí ở xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.

Đồng chí Nguyễn Lương Bằng (1904-1979), bí danh Sao Đỏ, Hai Nam, Triệu Vân..., là người xã Đoàn Lâm, tổng Đoàn Lâm, huyện Thanh Miện (nay là xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống yêu nước. Khi lớn lên, ông từng làm nhiều nghề như may, phụ bếp, công nhân tàu biển để kiếm sống.

Năm 1925, sau khi sang Quảng Châu (Trung quốc), ông được gặp Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và theo học lớp huấn luyện chính trị.

Tháng 9/1926, ông rời Quảng Châu về Hải Phòng, làm nhiệm vụ thiết lập đường dây liên lạc Hải Phòng - Hương Cảng (Hồng Kông) - Quảng Châu, chuyển tài liệu, sách báo cách mạng về trong nước, vận động, tuyên truyền cách mạng ở Hải Phòng, Nam Định, Thái Bình... Từ tháng 10/1927 đến tháng 12/1928, ông vào Sài Gòn tuyên truyền, vận động cách mạng trong công nhân và thanh niên.

Tháng 12/1928, ông trở lại Hải Phòng hoạt động trong phong trào công nhân và đi “vô sản hóa”.

Năm 1929, ông sang công tác ở Hương Cảng (Hồng Kông) theo sự phân công của Tổng bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tại đây, tháng 10/1929, ông được kết nạp vào chi bộ An Nam Cộng sản Đảng.

Tháng 12/1929, ông đến Thượng Hải gây dựng cơ sở trong Việt kiều và binh lính người Việt trong Tô giới Pháp.

Năm 1931, ông bị mật thám Pháp bắt tại Thượng Hải, áp giải về nước; lần lượt bị giam tại bốt Catina (Sài Gòn), nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), nhà lao Hải Dương; sau đó bị tòa án thực dân kết án phát lưu chung thân.

Tháng 12/1932, ông vượt ngục và tiếp tục hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1933, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai và kết án khổ sai chung thân rồi đày lên nhà tù Sơn La vào tháng 5/1935.

Tháng 8/1943, ông cùng một số cán bộ của Đảng vượt ngục thành công và trở về tiếp tục hoạt động cách mạng.

Tháng 8/1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào, Tuyên Quang (ngày 14-15/8), ông được bầu làm ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đến Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào (ngày 16-17/8), ông được bầu vào Ban Thường trực Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam.

Từ sau Cách mạng Tháng 8, ông liên tục là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, lần lượt giữ các chức vụ như: Trưởng ban Kinh tế - Tài chính Trung ương sau đổi thành Ban Tài chính Trung ương (1947-1951); Tổng Giám đốc Ngân hàng Quốc gia Việt Nam (1951-1952); Đại sứ Việt Nam tại Liên Xô (1952-1956); Tổng Thanh tra Ban Thanh tra Trung ương (1956-1960); Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Đảng (1960-1969); Phó Chủ tịch nước (1969-1979).

PV