Tăng cường phối hợp phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Chính trị - Ngày đăng : 21:13, 10/06/2016
Chiều 9/6, tại Hà Nội, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả 1 năm thực hiện Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan trong công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Các đồng chí: Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội Chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Lê Minh Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự Hội nghị.
Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng
Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã thống nhất ban hành Quy chế phối hợp nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng và tham mưu, chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng thuộc lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, hai cơ quan đã tăng cường phối hợp nghiên cứu, đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng những quan điểm, định hướng, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng. Hai cơ quan tham mưu, đề xuất về chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong lĩnh vực ngân hàng.
Thực hiện Quy chế, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì phối hợp với Ban Cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng, ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch và thành lập 2 Đoàn công tác rà soát, nắm tình hình hoạt động tín dụng tại 4 Ngân hàng Thương mại Nhà nước gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam.
Hoạt động tín dụng tại một ngân hàng
Qua rà soát nắm tình hình, Ban Nội chính Trung ương đã xây dựng báo cáo, kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các cơ quan tư pháp Trung ương hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức tín dụng; tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ban Nội chính Trung ương đã kiến nghị tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với tổ chức tín dụng; tăng cường công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp của các cơ quan chức năng và quản trị, điều hành trong lĩnh vực ngân hàng nhằm phòng ngừa và phát hiện tiêu cực, tham nhũng; xử lý nghiêm minh, kịp thời các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định của một số luật để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) xử lý nợ và tài sản bảo đảm tiền vay, thu hồi tài sản, vốn của nhân dân và ngân hàng.
Bên cạnh đó, Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; trình Chính phủ xem xét, ban hành cơ chế, chính sách để phát triển thị trường mua, bán nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu. Ngành tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật trong hoạt động cho vay, cho thuê tài chính, đổi ngoại tệ của cá nhân khu vực biên giới thông qua hệ thống thanh toán ngân hàng. Công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các tổ chức tín dụng được tăng cường; kiểm soát có hiệu quả sở hữu chéo, bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước với các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng cường phối hợp để phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm trong hoạt động tín dụng; tập hợp các khoản nợ xấu mà khách hàng không hợp tác với ngân hàng trong xử lý để chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC thống nhất chủ trương xử lý.
Tại Hội nghị, các đại biểu phân tích làm rõ những kết quả đã đạt được, tác động của hoạt động phối hợp đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của hai cơ quan, đối với công tác phòng, chống tham nhũng; những hạn chế, vướng mắc trong công tác phối hợp. Các đại biểu đã trao đổi kinh nghiệm, lựa chọn nhiệm vụ trọng tâm, có tính chất chi phối để tập trung thực hiện trong công tác phòng, chống tham nhũng, phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.
Tăng cường phối hợp, bảo đảm an toàn hoạt động tín dụng
Thời gian tới, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục nghiên cứu nắm vững và thực hiện tốt những quan điểm, chủ trương về phòng, chống tham nhũng đã được thể hiện trong các Văn kiện của Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Trên cơ sở đó, tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng những quan điểm, định hướng, chủ trương, cơ chế, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực ngân hàng.
Hai bên tiếp tục phối hợp tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cũng như hai cơ quan trực tiếp phối hợp để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát các ngân hàng thương mại trong việc thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động ngân hàng cũng như về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, vừa để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các tổ chức tín dụng, vừa để phòng ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.
Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận của Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về các chủ trương, giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả, đảm bảo an toàn hoạt động tín dụng, phòng ngừa tham nhũng, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng trong hoạt động tín dụng.
Hai cơ quan phối hợp triển khai thực hiện và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng và Kế hoạch số 19 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về vấn đề này trong lĩnh vực ngân hàng. Tiếp tục phối hợp tham mưu cho Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng chỉ đạo đẩy mạnh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế và tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trong lĩnh vực ngân hàng.
Hai bên phối hợp kiểm tra, đôn đốc cơ quan thi hành án dân sự thực hiện đúng theo quy định của pháp luật trong việc thi hành các bản án dân sự có liên quan đến tài sản, tiền vốn của các tổ chức tín dụng, hạn chế thiệt hại do việc chậm xử lý gây ra.