Tháng 4 sẽ tổ chức đối thoại quốc gia về an toàn lao động
Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2024 với chủ đề “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng" sẽ được phát động vào cuối tháng 4. Trong đó, hoạt động nổi bật là phiên đối thoại của Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động.
Đây là thông tin từ cuộc họp Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động Trung ương (Ban chỉ đạo) diễn ra vào chiều ngày 27/3 tại Hà Nội.
Theo Ban chỉ đạo, nhằm tăng cường kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa, góp phần hưởng ứng chiến lược phát triển kinh tế, xã hội bền vững, năm 2024, Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động diễn ra từ ngày 01 đến 31/5 được chính thức phát động vào ngày 26/4/2022 cùng với Tháng Công nhân.
Chủ đề Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm nay là “Tăng cường bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và trong chuỗi cung ứng".
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, so với năm 2022, tình hình tai nạn lao động năm 2023 giảm ở một số chỉ số chính, bao gồm số vụ, số người chết, số người bị tai nạn lao động nặng.
Cụ thể, tai nạn lao động chết người giảm 8,06% số vụ (662 vụ, giảm 58 vụ), giảm 7,29% số người chết (699 người, giảm 50 người); giảm 4,2% số vụ tai nạn (324 vụ) giảm 4,7 số người bị tai nạn lao động (giảm 370 người);
Điều kiện lao động cũng được cải thiện đáng kể. Trong tổng số mẫu quan trắc môi trường là 1.099.658 mẫu (tăng 16%), có 52.876 mẫu không đạt quy chuẩn vệ sinh lao động, chiếm 4,8%, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2022. Các mẫu có tỷ lệ không đạt cao là ánh sáng, độ ồn, độ rung, vi khí hậu.
Phong trào thi đua bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phát triển mạnh trong các cấp công đoàn, có gần 21,8 nghìn công đoàn cơ sở tổ chức các phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động, với hơn 1,3 triệu người tham gia và gần 90 nghìn sáng kiến cải thiện điều kiện lao động.
Các hoạt động thông tin, tuyên truyền an toàn, vệ sinh lao động được đẩy mạnh, lan tỏa, đa dạng các hình thức tiếp cận từ các hình thức truyền thống đến hiện đại, từ tĩnh sang động chuyển tải thông tin tới người lao động. Số lượt người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khoảng hơn 5 triệu người và hơn 3.5 triệu thiết bị được kiểm định kỹ thuật an toàn lao động. Các hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động được tăng cường. Tổ chức tư vấn cải thiện điều kiện an toàn, vệ sinh lao động cho doanh nghiệp, các hộ gia đình được đẩy mạnh... đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của người lao động.
Về an toàn vệ sinh lao động, Ban chỉ đạo Trung ương cho biết đến nay, đã có 12 bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty và gần 60 địa phương đã xây dựng kế hoạch hưởng ứng Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2024, tập trung vào nhiều hoạt động đa dạng.
Ngoài ra, trong thời gian diễn ra Tháng hành động, Ban chỉ đạo sẽ thăm các gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể như: Trao quà tại lễ phát động cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức 4 đoàn đi thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp..
Cùng với đó, có nhiều hoạt động chuyên đề, phát động hưởng ứng của các bộ, ngành, cơ quan thành viên Ban chỉ đạo. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức đối thoại Hội đồng quốc gia về an toàn vệ sinh lao động với sự tham gia của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Y tế.
Song song với đó, còn có nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn, công tác thanh tra-kiểm tra về an toàn vệ sinh lao động trong tháng 4 và 5/2024.