“Thôi miên” cướp tài sản: Cảnh giác trước độc dược “hơi thở của quỷ”
Đời sống - Ngày đăng : 07:34, 17/04/2016
Nhiều vụ cướp tài sản liên quan đến “thôi miên”
Ở Việt Nam, rất nhiều vụ án nạn nhân được cho là bị thôi miên đến vô thức đã tự lấy tiền vàng, tháo nhẫn, dây chuyền… “tình nguyện” đưa cho người lạ. Những nạn nhân này hầu hết khi tỉnh lại đều không nhớ gì nhiều và chỉ mang máng nhớ rằng không hiểu sao lúc đó họ rơi vào trạng thái trống rỗng, làm theo chỉ dẫn của người đối diện một cách vô điều kiện.
Cụ thể, vào tối 20/9/2015, tại cửa hàng bán quần áo số 11 (đường Tôn Thất Thuyết, phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị) có hai khách hàng (một nam, một nữ) đến mua quần áo. Người phụ nữ trạc tuổi trung niên chọn được một món hàng, rồi đưa tờ tiền 500 ngàn đồng cho chủ cửa hàng là chị Nguyễn Thị Thanh Thủy.
Một lát sau, khách hàng này yêu cầu trả lại hàng, lấy lại tiền. Không rõ vì lý do gì, chị Thủy rút ví, đưa thêm gần 3 triệu đồng cho khách hàng. Chị Thủy kể lại sau khoảng 2-3 câu trả giá vị khách không đồng ý mua, muốn lấy lại tiền thì chị Thủy cho rằng lúc này lâm vào trạng thái vô thức.
Lúc đó chị muốn đưa hết tiền, vàng và tài sản cho người khách hàng kia. Gần 10 phút sau khi người khách này rời đi, chị Thủy mới sực tỉnh và gọi người nhà ra kiểm đếm số tiền thì phát hiện bị mất gần 3 triệu đồng.
Hay một chiêu trò “thôi miên lừa tiền” gây xôn xao dư luận xảy ra tại một cửa hàng ở TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) trong thời gian qua được dư luận quan tâm.
Theo một clip ghi lại cho thấy, vào hơn 10 giờ, ngày 17/01/2016, một người đàn ông đội mũ bảo hiểm đi từ ngoài đường vào đứng trước cửa một ngôi nhà và quan sát một lúc khá lâu. Sau khi chủ nhà xuất hiện thì người này cùng đi theo vào trong nhà.
Tiếp tục, người đàn ông kia hỏi mua một loại thuốc và thanh toán tiền cho chủ. Sau đó, chủ nhà đi lên tầng thì người đàn ông này cũng đi theo. Trong clip ghi lại những cuộc trao đổi như tiền, các hoạt động liên tục tay chân, giữa người đàn ông và người phụ nữ mặc áo đỏ. Sau khi quan sát không thấy tiền ở tủ nữa thì người đàn ông kia nhanh chóng ra xe máy dựng trước cửa và phóng đi.
Mới đây nhất, vào ngày 24/3/2016 tại đường Lê Thánh Tôn, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng xảy ra một vụ “thôi miên” cướp tài sản. Theo đó một đoạn clip được camera an ninh ghi lại vào sáng sớm cho thấy, trong khi bà cụ đang đi bộ qua con hẻm thì một đối tượng che kín mặt bằng khẩu trang đi xe máy vượt lên, dừng lại trước mắt bà rồi liên tục sờ vào người khiến cho bà đột nhiên "mất ý thức".
Cụ bà bị đối tượng 'thôi miên' cướp tài sản ở Huế
Sau đó, bà cụ liền đưa cả áo khoác đang cầm trên tay "giao" cho đối tượng này thoải mái lục lọi. Chẳng những lục chiếc áo khoác của bà mà người này còn liên tục sờ quanh người bà, lấy đi một món đồ gì đó.
Cảnh giác trước độc dược có thể “thôi miên” người khác
Nhiều nhà nghiên cứu tâm lý ở Việt Nam cho rằng, ở nước ta hiện nay rất ít người có khả năng tác động gây biến đổi tâm lý, hoặc điều khiển hành động của người đối diện làm theo ý muốn của mình. Để có thể thực hiện được thuật thôi miên, thì bắt buộc người đó phải có nguồn năng lực nội sinh và phải trải qua một quá trình tập luyện cực kì nghiêm túc, khổ cực và lâu dài.
Trả lời báo chí, PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội tâm lý học xã hội Việt Nam cho biết, có thể người được cho là "thôi miên" người khác sử dụng thủ thuật đánh thuốc mê bằng các dạng nước, hương, chất lỏng hay bột một cách tài tình theo ảnh hưởng tạm thời hoặc người mất cắp bị khuyến dụ bởi lòng tham, sự hấp dẫn bởi câu chuyện và bị lừa ngoạn mục theo kiểu nhanh tay, lẹ mắt…
Hiện nay có một loại hóa chất thường được gọi là “hơi thở của quỷ”, là một loại ma túy có tên scopolamine. Loại thuốc này được bào chế từ hạt của cây Borrachero, một loại cùng họ với cây hoa loa kèn, mọc hoang ở nhiều vùng tại Colombia. Scopolamine làm tim đập nhanh hơn và gây ra trạng thái kích động, ảo giác.
Thuốc "thôi miên" dạng nước có tên gọi Scopolamine được bán với giá 3 triệu đồng nay giảm xuống còn 2,5 triệu đồng/lọ
Theo báo chí quốc tế, Scopolamine, chất có trong loài hoa này được nhóm tội phạm sử dụng như một loại ma dược dùng để phục vụ mục đích riêng tư. Nó được xem là độc dược “không màu, không mùi, không vị”, dễ hòa tan nên thường được trộn vào thức ăn để thôi miên người khác, buộc một ai đó làm theo sự sai khiến của mình. Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ Scopolamine có thể gây ngộ độc. Sản phẩm có khả năng tạo ảo giác hay “giấc mơ kỳ lạ” với những người hít phải chúng.
Qua quá trình điều tra nhiều vụ án liên quan, cơ quan Công an xác định thủ đoạn của các hung thủ là lợi dụng những nơi có rất đông người hoặc nơi chỉ có một mình nạn nhân, các đối tượng lừa đảo sử dụng các loại thuốc và hóa chất gây mê để đánh lừa người khác, nhằm cướp tài sản của họ. Ở nơi có đông người, các đối tượng này lợi dụng sự lộn xộn, không ai để ý để thừa cơ hội ra tay. Các đối tượng thường tụ tập thành nhóm để hỗ trợ lẫn nhau khi gây án.
Đặc biệt, thông tin về việc các loại “ma dược” này được bán tràn lan càng khiến cho những nguy cơ trên trở nên hiện hữu. Việc buôn bán vẫn diễn ra công khai như tiếp tay cho các đối tượng sử dụng loại thuốc lạ nhằm chiếm đoạt tài sản càng khiến người dân hoang mang hơn.