Tăng cường giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục THPT
Ngày 27/3, đã diễn ra Hội thảo tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông (ATGT) trong các cơ sở giáo dục THPT.
Hội thảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) phối hợp với Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (ATGTQG), Công ty Honda Việt Nam tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận để việc giáo dục an toàn giao thông cho học sinh không chỉ dừng lại ở tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật mà biến nhận thức thành tự nhận thức, tự giác. Các ý kiến được đề xuất, trao đổi tại hội thảo sẽ là căn cứ để các cơ quan chức năng ban hành những chế tài xử lý phù hợp, có những giải pháp kiểm tra, giám sát kịp thời, ngăn chặn tai nạn an toàn giao thông ở đối tượng học sinh, sinh viên.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGTQG Khuất Việt Hùng, cho biết: Theo thống kê năm 2023, có khoảng 7,8% số nạn nhân thương vong do tai nạn giao thông là ở độ tuổi trẻ em, tương đương với khoảng 900 trẻ em tử vong và gần 1200 bị thương và trong số đó có gần 1500 trẻ em là học sinh bậc trung học phổ thông. Do đó, việc tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục trung học phổ thông là điều vô cùng cần thiết.
Theo ông Khuất Việt Hùng, trong công tác phối hợp với Bộ GD-ĐT với Ủy ban ATGTQG có việc tổ chức thí điểm khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về quy định pháp luật, về kỹ năng lái xe cho học sinh phổ thông và tổ chức sát hạch như việc cấp giấy phép lái xe để các em thử thực hiện, thực hành các kỹ năng trước khi đủ tuổi cấp giấy phép thật.
Để đối tượng học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, kỹ năng lái xe an toàn khi tham gia giao thông, ông Khuất Việt Hùng đề nghị, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục pháp luật trong nhà trường, cần định hướng, trang bị cho các công dân về đạo đức tham gia giao thông, về niềm tin, tư tưởng thượng tôn và tuân thủ pháp luật. Đây là hoạt động hàng ngày, hàng giờ, cần được rèn luyện, nhận thức để hình thành thói quen, hành vi đúng quy định của pháp luật.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho biết, những năm qua, Bộ GDĐT đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao nhận thức, ý thức khi tham gia giao thông cho học sinh, sinh viên và bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm luật giao thông còn diễn biến phức tạp, điển hình là các vi phạm như: Phóng nhanh, vượt ẩu, đánh võng, lạng lách, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe môtô, xe gắn máy tham gia giao thông; học sinh THPT điều khiển xe môtô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi hoặc chưa có giấy phép lái xe...
Tại hội thảo, đại diện các Sở GD-ĐT, giáo viên tại các cơ sở giáo dục trung học phổ thông đã tập trung trao đổi, nêu ý kiến, đề xuất, giải pháp liên quan đến các vấn đề nhằm tăng cường vai trò quản lý, giáo dục an toàn giao thông như sự phối hợp của các bên liên quan, công tác tuyên truyền, xây dựng các tài liệu phổ biến, tích hợp nội dung giáo dục an toàn giao thông vào dạy học, điều kiện cơ sở vật chất…
Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi, đề xuất tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi nhận định, đây là những ý kiến sâu sắc, sát với thực tế, là căn cứ để các đơn vị cùng phối hợp có những chỉ đạo, điều chỉnh tốt hơn trong thời gian tới.
Theo Thứ trưởng, công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục nói chung, cơ sở giáo dục trung học phổ thông nói riêng luôn được các cấp, các ngành, địa phương, cơ sở giáo dục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và bắt buộc thực hiện. Để công tác này ngày càng tốt hơn cần tiếp tục tăng cường sự chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các bên liên quan và cần có nhận thức nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa ở từng cấp, từng ngành, địa phương, cơ sở giáo dục và từng gia đình.
Nhấn mạnh vai trò của công tác truyền thông, tuyên truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi lưu ý, công tác này cần phải được ưu tiên trên hết. Bên cạnh các phương thức tuyên truyền đã thực hiện từ trước đến nay, các bên thống nhất xây dựng nội dung cẩm nang, tài liệu chuyên môn, thông tin pháp luật, chế tài xử lý để truyền thông rộng rãi...
Các nhà trường cần có sự phối hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực này để thực hiện truyền thông sâu rộng đến học sinh và phụ huynh. Ngoài ra, cần tổ chức truyền thông, tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông thông qua các hình thức ngoại khóa, tổ chức hoạt động trải nghiệm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cũng lưu ý về việc ban hành các chế tài xử lý phù hợp và tuân thủ quy định của pháp luật. Trong đó, cần tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội để đảm bảo cả xã hội vào cuộc và nghiêm túc thực hiện.