Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung thêm nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án
Thảo luận về Dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung thêm một điểm quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án đã được ghi nhận trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.
Về thực hiện quyền tư pháp của Tòa án tại khoản 2 Điều 3 Dự thảo Luật, đại biểu Tô Ái Vang – Đoàn ĐBQH tỉnh Sóc Trăng kiến nghị bổ sung thêm một điểm quy định nhiệm vụ, quyền hạn mới của Tòa án đã được ghi nhận trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, đó là: Tổ chức thực hiện hoạt động hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật Hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án.
“Bởi vì việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện bằng con đường hòa giải, đối thoại tại Tòa án mang lại nhiều lợi ích hơn cho các bên so với giải quyết bằng con đường tố tụng để tạo điều kiện cho các bên trong tranh chấp, khiếu kiện, tìm kiếm cơ hội thỏa thuận thống nhất việc giải quyết tranh chấp, khiếu kiện nếu thật sự mong muốn có được kết quả hài hòa lợi ích cho cả đôi bên”, đại biểu Tô Ái Vang phát biểu.
Tại điểm d khoản 2 Điều 23 quy định: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự công nhận kết quả đối thoại thành các đương sự. Đại biểu Tô Ái Vang cũng kiến nghị bổ sung từ "hòa giải" vào trước từ "đối thoại", tại điểm d khoản 2 như sau: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành của các đương sự.
Đại biểu Tô Ái Vang lý giải: “Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, thì hòa giải áp dụng đối với các vụ việc dân sự, còn đối thoại áp dụng đối với các vụ việc hành chính, đã tạo ra một cơ chế hòa giải, đối thoại mới để người dân có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án, nhằm tiết kiệm công sức và thời gian cho các bên, tiết kiệm chi phí bảo mật thông tin cho các bên, hàn gắn và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các bên. Hơn hết là kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án công nhận sẽ có hiệu quả thi hành rất cao”.
Đại biểu cũng kiến nghị bổ sung thêm một phương thức xét xử lưu động và bổ sung thêm một khoản quy định phiên tòa xét xử lưu động. Tại khoản 1 Điều 136, Dự thảo Luật quy định: Tòa án xét xử bằng phương thức trực tiếp hoặc trực tuyến.
Theo đại biểu “thực tế đối với các vụ án hình sự liên quan đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây bức xúc, phẫn nộ trong dư luận thì sẽ được Tòa án có thẩm quyền quyết định đưa ra xét xử lưu động để răn đe, tuyên truyền, giáo dục pháp luật đến rộng rãi người dân”.