Chính trị

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân: Nên tổ chức Toà án theo cấp xét xử hợp với khu vực

Duy Tuấn 27/03/2024 05:30

Tổ chức Toà án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực sẽ tăng hiệu quả, chuyên môn hoá hoạt động của ngành toà án. Đặc biệt, bảo đảm tính nhất quán trong áp dụng pháp luật.

Cho ý kiến về đổi mới Toà án nhân dân cấp tỉnh, Toà án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử (khoản 1 Điều 4), dự thảo Luật trình 02 phương án, Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã lựa chọn phương án 2, tức đổi tên hai Toà án trên thành Tòa án nhân dân phúc thẩm và Tòa án nhân dân sơ thẩm.

lethanhvan.jpeg
Đại biểu Lê Thanh Vân - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Đặc biệt, đại biểu Vân đề nghị “nên tổ chức Toà án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực”.

Thực tiễn cho thấy, việc tổ chức Toà án theo cấp hành chính có nhiều bất cập. Đặc biệt, tính độc lập của Toà án khó được thực hiện. Nếu tổ chức toà án theo cấp xét xử kết hợp với khu vực, theo đại biểu Vân sẽ có 5 lợi ích.

Thứ nhất, tăng hiệu quả , chuyên môn hoá hoạt động của ngành toà án. Đặc biệt, bảo đảm tính nhất quán trong áp dụng pháp luật.

Thứ hai, tiện lợi cho người dân, vì địa hạt đó gần gũi cho nên người dân tham gia quá trình tố tụng, tiếp xúc với cán bộ toà án gần gũi hơn. Ví dụ như ở các huyện miền núi, cách nhau hàng trăm km, đi lại khó khăn.

Thứ ba, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội nước ta hiện nay và cả sau này nữa.

Thứ tư, bảo đảm tính minh bạch, vì khi tổ chức Toà án theo khu vực thì cực ly tổ chức gần, giám sát của người dân tốt hơn, minh bạch hơn.

Thứ năm, tránh được quan hệ hành chính ngang, rất dễ tác động đến tính độc lập của Toà án.

Đại biểu Vân nói thêm, về nội hàm hoạt động xét xử của toà án, “về cơ bản chỉ cần điều chỉnh lại chút thôi”, còn về tổ chức Toà án, "nếu làm được điều này sẽ thuận lợi về cơ sở vật chất ở các toà án có tính chất trung tâm khu vực, không phải đầu tư tốn kém nữa”.

Duy Tuấn