Đời sống

Quảng Trị: Hơn 100 năm lưu giữ và phát triển làng nghề nón lá thủ công Bố Liêu

Thanh Huyền- Thủy Anh 26/03/2024 16:34

Với hơn 1 thế kỷ tồn tại, làng nghề nón lá thủ công tại thôn Bố Liêu, xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã tạo công ăn việc làm cho những hộ dân trong thôn. Chiếc nón lá thủ công đã trở thành một biểu tượng đặc trưng của văn hóa đồng quê thuần Việt.

Ngay trước cổng chào làng Bố Liêu, hình ảnh chiếc nón lá phía trên cổng là điểm nổi bật của một ngôi làng có truyền thống chằm nón lá thủ công truyền thống lâu đời.

non-1.jpg
Biểu tượng chiếc nón lá đặc trưng trên cổng làng Bố Liêu.

Nghề chằm (may, khâu, làm…) nón lá thủ công tại thôn Bố Liêu đã tồn tại được hơn 100 năm qua. Làm nón lá thủ công tại thôn Bố Liêu không chỉ đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển làng nghề thủ công truyền thống truyền từ bao thế hệ đến nay. Bên cạnh đó, làng nghề còn góp phần tạo công ăn việc làm cho những hộ dân trong làng.

Cô Trương Thị Hoa (59 tuổi) cho biết: “Cô chằm nón tính đến nay cũng đã được 40 năm, từ khi lấy chồng về thôn Bố Liêu thì cô bắt đầu học và chằm nón lá thủ công. Trung bình thời gian để hoàn thành một chiếc nón mất 1 buổi (tầm 4-5 tiếng). Giá thành của mỗi chiếc nón thì tùy vào người đặt nón, chiếc nón thường dao động từ 60 – 70 ngàn đồng, còn nếu đặt thì giá thành sẽ cao hơn vì được làm nhiều lá, chắc chắn hơn...”.

non-2-2-.jpg
non-2-1-.jpg
Cô Trương Thị Hoa (59 tuổi) tỉ mĩ trong từng chi tiết để có một chiếc nón hoàn hảo.

Để có một chiếc nón hoàn chỉnh, người làm nón phải qua rất nhiều thao tác, công đoạn. Thường, nón lá Bố Liêu được làm từ 3 lớp lá, lớp trong, giữa và ngoài.

Hai lớp ngoài - trong được lợp từ lá nón sấy khô bằng lò than để giữ được màu xanh tự nhiên của lá, lớp ở giữa sẽ được phơi khô bằng ánh nắng mặt trời tầm 1-2 ngày.

Lá làm nguyên liệu để chằm nón là lá tự nhiên được hái ở rừng, được lấy chủ yếu từ Ba Lòng – một xã của huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị.

non-3-3-.jpg
Lớp lá ở giữa sẽ được buộc thành từng bó và phơi nắng tầm 1-2 ngày.
non-3-2-.jpg
Lá dùng làm lớp ngoài được sấy khô bằng lò than và bảo quản kĩ càng để giữ được màu xanh tự nhiên của lá.

Anh Nguyễn Tri Phương (48 tuổi – Trưởng thôn Bố Liêu), chia sẻ: “Hiện tại, trong thôn còn khoảng trên 60 hộ dân chằm nón lá thủ công. Giáo xứ cũng như trong thôn Bố Liêu cũng đã tổ chức các trò chơi như thi chằm nón để các hộ dân thi nhau tranh tài.

Ngoài ra, xã Triệu Hòa mới đây cũng đã tổ chức hoạt động hội chợ bán hàng, đây cũng là dịp để quảng bá nón lá Bố Liêu đến với mọi người”.

non-3-1-.jpg
Lò sấy khô lá nón bằng lửa than.

Được biết, năm 2020, sản phẩm làng nghề nón lá Bố Liêu đã được đăng ký nhãn hiệu và thôn Bố Liêu cũng đã được chứng nhận hợp tác xã sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Bố Liêu được cấp bởi Cục Sở hữu trí tuệ.

non-4-2-.jpg
Vành để lên khung nón được làm từ tre lồ ô.
non-4-3-.jpg
Chiếc nón hoàn thành được 90%, công đoạn còn lại là làm dây để đeo quai nón.

Chiếc nón lá không chỉ đóng vai trò che nắng, che mưa, mà còn là một biểu tượng quen thuộc trong thơ, ca Việt Nam. Để có được một làng nghề thủ công truyền thống lâu đời, hơn 1 thập kỷ qua, người dân tại thôn Bố Liêu đã lưu giữ và phát triển qua từng năm, được truyền từ đời này sang đời khác.

Qua đó, giữ vững một nghề thủ công truyền thống, góp phần giữ gìn một sản phẩm văn hóa và là một biểu tượng “thương hiệu” của quê hương.

non-5.jpg
Anh Nguyễn Tri Phương cầm trên tay giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu sản phẩm làng nghề nón Bố Liêu.
non-4-1-.jpg
Hình ảnh chiếc nón lá quen thuộc gắn liền với đời sống Nhân dân.

Thanh Huyền- Thủy Anh