Văn hóa - Du lịch

Lễ Khai hội các hoạt động Văn hoá, Thể Thao truyền thống

Thanh Nga - Danh Kiên 26/03/2024 13:16

Được diễn ra vào ngày 19/2 âm lịch hằng năm, Lễ Khai hội các hoạt động Văn hoá Thể Thao truyền thống, TP.Đà Nẵng là một trong những lễ hội mang đậm yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo của đạo Phật.

Sáng 26/3, UBND quận Ngũ Hành Sơn, TP.Đà Nẵng đã tổ chức Lễ Khai hội các hoạt động Văn hoá Thể Thao truyền thống. Lễ hội năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26/3 đến ngày 29/3/2024 (tức ngày 17/2 đến ngày 20/2 Âm Lịch) với nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, tín ngưỡng, tôn giáo phong phú và đa dạng.

khai-hoi-van-hoa-the-thao.00_00_50_05.still001.jpg
Trao cờ lưu niệm cho các đơn vị tham gia.

Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm (lễ chính thức) sẽ diễn ra lúc 07 giờ ngày 28/3 (tức ngày 19/2 âm lịch); ngoài ra còn có lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công chúa, lễ tế xuân cầu quốc thái dân an…

Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra các hoạt động thể thao truyền thống như Hội đua thuyền trên sông Cổ Cò kèm tái diễn hoạt cảnh lịch sử trên sông; thi trực họa về Lễ hội Quán Thế Âm; thi viết cảm nhận về Thư viện Vạn Hạnh; ngày chạy bộ Olympic vì hòa bình và nhiều hoạt động tôn giáo, trò chơi dân gian.‏

Bên cạnh đó còn diễn ra tọa đàm về phát huy giá trị Lễ hội Quán Thế Âm và các di sản văn hóa trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn; tổ chức các gian hàng trưng bày, biểu diễn chế tác đá mỹ nghệ Non Nước; các gian hàng OCOP giới thiệu sản phẩm đặc trưng của TP.Đà Nẵng.

khai-hoi-van-hoa-the-thao.00_00_30_09.still004.jpg
khai-hoi-van-hoa-the-thao.00_00_37_05.still002.jpg
Các trò chơi dân gian tại ngày khai hội.

‏Xuyên suốt lễ hội là các hoạt động văn hóa - nghệ thuật đặc sắc như: Chương trình nghệ thuật chào mừng lễ hội 2 đêm 27-28/3; biểu diễn nghệ thuật của các đoàn Nhật Bản, Thái Lan; Hội hô hát bài chòi; triển lãm ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn và ma nhai Ngũ Hành Sơn; triển lãm mỹ thuật, hội họa, thư pháp; hội hoa đăng, lửa trại; không gian ẩm thực chay Việt…‏

‏Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, cũng như thể hiện nỗ lực của địa phương trong việc phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là dịp để đồng bào phật tử nói riêng và nhân dân nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hoà hợp giữa Phật pháp với dân tộc và tình yêu quê hương đất nước.

Thanh Nga - Danh Kiên