Chính trị

Chủ tịch TP Hà Nội có thể tổ chức các trợ lý ảo để giao tiếp với công dân

Duy Tuấn 26/03/2024 - 12:31

Nếu ứng dụng công nghệ, Chủ tịch TP Hà Nội có thể tổ chức các trợ lý ảo để giao tiếp với công dân; có bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử, công dân thủ đô biết bệnh của mình và chọn cơ sở chữa bệnh, chỉ cần mở app ra là có thể giải quyết được...

Tiếp tục chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, sáng 26/03, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bổ sung quy định xây dựng đô thị thông minh

Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, Dự thảo còn nhiều quy phạm chính trị. Đại biểu đề nghị bổ sung việc giao cho thành phố tự tổ chức cơ quan chuyên môn, ngoài “khung cứng” như quy định của Chính phủ. Theo đại biểu, Hà Nội có thể tự tổ chức các cơ quan về lĩnh vực kinh tế, giáo dục, môi trường và Chính phủ “chỉ giám sát”.

dbqhct(2).jpg
Toàn cảnh Hội nghị .

Về thu hút, trọng dụng nhân tài, hiền tài, cần định chế cụ thể hơn bằng hình thức thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử. Cụ thể, phải bố trí công việc phù hợp, có cơ hội thăng tiến, tôn trọng các phát minh, sáng kiến. Về ưu đãi, có chính sách thuế, lương, y tế, nhà ở phù hợp khi thu hút nhân tài; đồng thời, khen thưởng kỷ luật hợp lý.

Đặc biệt, ông Vân đề nghị, bổ sung vào Luật quy định xây dựng đô thị thông minh theo 2 trụ cột gồm: ứng dụng công nghệ trong quản lý hành chính đô thị như quản lý trật tự giao thông, quản lý môi trường, giáo dục…

202103291527275512_le-thanh-van-doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-ca-mau-3-.jpeg
Đại biểu Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

“Nếu ứng dụng công nghệ, Chủ tịch TP Hà Nội có thể tổ chức các trợ lý ảo để giao tiếp với công dân; hay áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để điều hướng giao thông vào các giờ cao điểm. Ngay từ sáng sớm, chỉ cần mở ứng dụng có đường đi thuận lợi; hay bệnh viện điện tử, bệnh án điện tử, công dân thủ đô biết bệnh của mình và chọn cơ sở chữa bệnh, chỉ cần mở app ra là có thể giải quyết được. Nên quy định là quy định pháp lý để áp dụng bắt buộc để các cơ quan hành động. Nên đưa các quy định này vào Luật để Hà Nội trở thành trung tâm trên nhiều phương diện”, ông Vân nói.

Định lượng rõ không gian ngầm

Về quản lý không gian ngầm (Điều 19), theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, tiếp thu ý kiến của UBTVQH, Dự thảo Luật quy định không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng; người sử dụng đất thuộc địa bàn thành phố Hà Nội được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu do Chính phủ quy định (khoản 2 Điều 19). Ngoài giới hạn độ sâu này, người sử dụng đất vẫn được sử dụng nếu phù hợp quy hoạch và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép (thủ tục cấp phép sẽ được nghiên cứu để đơn giản giản hóa thủ tục hành chính theo quy trình một cửa, một cửa liên thông); trong một số trường hợp phải trả tiền sử dụng không gian ngầm theo quy định của Chính phủ (chủ yếu tập trung vào công trình ngầm được khai thác, sử dụng cho mục đích kinh doanh) (khoản 2 Điều 19).

tc2(1).jpeg
Các đại biểu tham dự Hội nghị.

“Do đây là nội dung mới, chưa có tiền lệ nên việc giao Chính phủ quy định mức giới hạn độ sâu mà người sử dụng đất được sử dụng sẽ tạo sự linh hoạt, chủ động khi ban hành, bảo đảm phù hợp với đặc điểm địa chất và tiềm năng khai thác, sử dụng không gian ngầm của từng khu vực. Để tăng tính thuyết phục, UBTVQH cũng đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động về nội dung này trước khi trình Quốc hội thông qua”, ông Tùng nói.

Về không gian ngầm phục vụ cho phát triển đường sắt ngầm dưới lòng đất, đại biểu Phạm Văn Hòa- Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị, quy định rõ khống chế số lượng chiều cao 10,15 hay 20m, “gắn với thực tế” làm sao đạt hiệu quả cao nhất.

Về phát triển giao thông công cộng, dự án luật giao HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư theo hướng “không giới hạn tổng mức đầu tư”, đại biểu đề nghị xem xét lại vì nguồn ngân sách TP có hạn. “Nếu công trình thuộc ngân sách TP thì được, còn ngân sách của trung ương cần có bàn bạc cho phù hợp”.

Giới hạn cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa- Ủy viên chuyên trách Ủy ban Xã hội của Quốc hội, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, theo Điều 25 Dự thảo Luật, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ Luật điều chỉnh vấn đề hết sức quan trọng này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học công nghệ. Dự thảo Luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP HCM trong Nghi quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh.

“Theo Dự thảo, cơ chế thử nghiệm được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực. Tôi đề nghị tiếp cận theo hướng thận trọng, bảo đảm kiểm soát tốt. Vì vậy, Luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát mà không nên giao UBND Thành phố quyết định. Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định nhưng thường là: Tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); Y tế (Medtech). Bên cạnh đó, Dự thảo Luật hiện chủ yếu tập trung quy định đầu vào của cơ chế thử nghiệm mà chưa có quy định về đầu ra như việc rút khỏi cơ chế thử nghiệm đang thế nào? hậu quả pháp lý khi kết thúc cơ chế thử nghiệm ra sao? Vì vậy, đề nghị xem xét bổ sung các quy định này trong Dự thảo Luật”, ông Nghĩa nói.

tung1.jpeg
Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội, về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Điều 25), trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để thành phố Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn Thành phố. Quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để thành phố Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, UBTVQH đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các Bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

Duy Tuấn